Gần 1 năm nay, tại khu vực sông cù lao Thị Đam (ấp Bình Trung 2, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân, An Giang) xuất hiện đàn cá về trú ngụ. Gia đình ông Lương Thanh Hảo và các hộ lân cận đã hùn sức cung cấp nguồn thức ăn, giúp đàn cá sinh trưởng và phát triển. Ai dừng chân ở chỗ này cũng không khỏi ngạc nhiên và phấn khích khi thấy đàn cá lên đến hàng ngàn con rất dạn dĩ mỗi khi ngoi lên đớp thức ăn.
Ông Lương Thanh Hảo cho biết, ban đầu không nghĩ đàn cá nhiều đến hàng tấn, thấy vài con khuấy động mặt nước nên ông bỏ thức ăn xuống cho chúng, được dẫn dụ, chúng tập trung về ngày càng nhiều, ước khoảng 2-3 tấn. Nhiều người tò mò đến xem đàn cá, tiếp thêm đồ rẫy để làm thức ăn, có những con cá khá lớn được bế lên cho mọi người vuốt ve vẫn “hợp tác” bình thường. Quan sát thấy nhiều nhất là cá tra, cá vồ cùng số ít cá điêu hồng sống xung quanh. Ông Hảo khẳng định: “Nuôi để vui và bảo vệ chúng, có bao nhiêu cho ăn bấy nhiêu, khi nào đàn cá tự rời đi thì thôi”.
Đàn cá tự nhiên được người dân chăm sóc, cho ăn hàng ngày
Để tạo môi trường sống an toàn cho đàn cá trú ngụ, gia đình ông Hảo đã làm rào chắn xung quanh, cắm bảng cấm đánh bắt cá, treo đèn xuyên đêm, thành viên trong gia đình và người dân nơi đây thay nhau theo dõi. Mỗi lần cho đàn cá ăn, bà Nguyễn Thị Lệ Thúy (vợ ông Hảo) thì thầm “Ăn rồi trốn nghe mấy con, để người ta chài bắt mấy con đó”.
Từ dạo có đàn cá, bà Thúy lại thêm việc, hàng ngày chuẩn bị thức ăn, nấu khoai độn thêm vào thức ăn cho đàn cá. Một số người cố ý đến câu hoặc chọc phá, bà liền ra nhắc nhở. Còn ông Hảo, đến nửa đêm vẫn ra rọi đèn, rảo xung quanh mấy lượt mới an tâm.
Bà Thúy trần tình: “Nuôi quen rồi thấy người ta bắt cá thì tội nghiệp. Tui cực công mà không tiếc, không mệt, vì cho chúng ăn thấy vui lắm, hết lo chuyện đồng áng liền phải về tranh thủ “thăm” tụi nó”.
Cùng khoảng thời gian trên, tại tuyến kênh Thần Nông (thuộc khu vực ấp Phú Quới, xã Phú Thành), có hàng ngàn con cá cùng kéo về trú ngụ tại bến nước của gia đình ông Trần Văn Đặng. Ông Đặng ước tính ban đầu chỉ vài tấn cá, đến nay số lượng lên đến trên 10 tấn cá các loại: cá tra, cá trê, cá mè vinh…
Qua 1 năm trú ngụ tại đây, nhờ chăm sóc tốt đàn cá tăng cả trọng lượng và số lượng. Gia đình ông Đặng đặt cọc tre chứa lục bình để cá có nơi trú ẩn. Nhiều người cho rằng, khi mực nước dưới kênh xuống thấp đàn cá sẽ bỏ đi, nhưng ngược lại số lượng ngày càng nhiều. Hàng ngày, ông Đặng cắt nhuyễn rau muống trộn tấm nấu chín cho cá ăn. Số lượng tăng đột biến nên để đỡ cực công, ông dành dụm tiền mua thức ăn công nghiệp cho cá.
Ông Đặng thông tin: “Một mình tôi không thể nào lo nổi. Hơn 1 năm nuôi dưỡng, tôi và bà con ở vùng này hùn nhau hơn 140 triệu đồng mua thức ăn cho đàn cá này. Thấy lượng cá nhiều tôi cũng lo ngại người ta đánh bắt, nhưng tình trạng này chưa bao giờ xảy ra, chúng được bà con ở đây ra sức bảo vệ, mục đích chung của mọi người là làm việc thiện và góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Thời điểm nước ròng trên kênh Thần Nông, mực nước đo được khoảng 2,5m. Người dân ai cũng ngạc nhiên, bởi nước không được sâu mà đàn cá tụ về thì lạ lắm, bèn hùn nhau nuôi. Như ông Trần Văn Tre (hộ ở gần thường đến cho cá ăn) chia sẻ: “Cá trong đồng bây giờ cạn kiệt, được đàn cá về trú ngụ ở đây thì quý lắm, phải bảo vệ chứ! Ở đâu không quần tụ mà tụi nó ghé ngay điểm này thì chắc bầy cá cũng cảm nhận sự an toàn, có thể sinh sống được nên mình ráng góp công nuôi và bảo vệ chúng. Xung quanh bà con tiếp tế thức ăn gối đầu thường xuyên, hễ thiếu thức ăn công nghiệp thì độn thêm các loại rau khác, dễ nuôi lắm”.
Hiện nay, nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên đang ngày một giảm đi do sự đánh bắt tận diệt của con người. Việc làm của người dân chỉ là những hành động đơn lẻ, nhưng cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, góp phần bảo vệ nguồn lợi tự nhiên.
MỸ HẠNH