Chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

14/07/2021 - 05:34

 - Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Hòa Lạc (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) tích cực thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Việc chuyển đổi này bước đầu phát huy hiệu quả, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Huỳnh Ngọc Dẫn (ngụ ấp Hòa Hưng 1) là một trong những người tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước đây, gia đình ông chủ yếu nuôi cá, nhưng việc chăn nuôi không mang lại hiệu quả kinh tế cao do giá thức ăn tăng cao, đầu ra bấp bênh. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông và tìm hiểu thực tế, ông Dẫn quyết định san lấp hầm, tập trung chuyển đổi diện tích nuôi cá sang trồng cây quýt đường.

Trên diện tích 5.000m2, ông Dẫn trồng 400 gốc quýt. Nhờ kinh nghiệm học hỏi từ những người đi trước cũng như thông tin trên các phương tiện truyền thông giúp việc canh tác gặp thuận lợi. Sau 18 tháng chăm sóc, cây bắt đầu ra hoa và kết trái. Vụ đầu tiên, vườn quýt gia đình ông thu hoạch 17 tấn trái, bán cho thương lái với giá 22.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí phục vụ sản xuất, ông thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng và thu hồi được 70% nguồn vốn đã bỏ ra ban đầu.

Theo ông Dẫn, để trồng cây quýt đường đòi hỏi người nông dân phải nắm rõ kỹ thuật canh tác mới có thể mang lại hiệu quả. Theo đó, khi cây quýt tơ muốn cho ra hoa, kết trái phải tiến hành tạo hạn, bón phân tạo mầm hoa... Ngoài ra, khi trồng cây quýt đường cần lưu ý, trên cây quýt thường xuất hiện một số loại bệnh gây hại, như: bệnh vàng lá, thối rễ, rụng trái... Để khắc phục tình trạng này, cũng như sâu bệnh gây hại, ông Dẫn thăm vườn hàng ngày, theo dõi các giai đoạn phát triển của cây để có biện pháp chăm sóc, xử lý kịp thời.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Hòa Lạc bước đầu có những tín hiệu khả quan

Ông Dẫn cho biết, trồng quýt đường tuy nặng vốn nhưng thu hồi vốn nhanh nhờ đầu ra tương đối ổn định. Để tránh tình trạng thu hoạch rộ với số lượng lớn, giá bán sẽ không cao, ông Dẫn xử lý trái rải vụ, chia thành 4 đợt thu hoạch/năm. “Diện tích quýt đường của gia đình nếu chăm sóc tốt sẽ cho năng suất khoảng 25-30 tấn trái/năm. Giá quýt đường ổn định, bình quân từ 23.000-27.000 đồng/kg và được thương lái đến tận nhà thu mua nên gia đình tôi không quá lo lắng về đầu ra” - ông Dẫn vui vẻ chia sẻ.

Ngoài cây quýt đường, hiện nay, ông Dẫn còn phát triển thêm các loại cây trồng khác, như: bưởi, mít... để chủ động đầu ra nông sản, hạn chế những rủi ro do biến động thị trường. Với mô hình trồng cây ăn trái, chuyển đổi sang loại cây trồng phù hợp, mỗi năm, gia đình ông thu nhập 500 triệu đồng, trong đó, lợi nhuận chiếm 40%.

Thực hiện chuyển đổi cây trồng, ông Đỗ Sĩ Công (ấp Bình Hòa 1) lựa chọn cây thanh nhãn để phát triển kinh tế gia đình. Ông Sĩ chọn cây trồng này do hiệu quả kinh tế mang lại cao, đầu ra trái thanh nhãn ổn định. Với diện tích 5,5 công đất, ông Công trồng 260 gốc thanh nhãn. Nhận xét về loại cây trồng này, ông Công cho biết, thanh nhãn, dễ trồng, ít bị bệnh. Cây thanh nhãn có nhiều ưu điểm vượt trội, như: trái to, màu vàng nhạt, cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt thanh, thịt chắc, giòn và ráo nước... Tuy nhiên, cây thanh nhãn khó lấy trái, tỷ lệ đậu trái không cao, khoảng 30%. Cây thanh nhãn trồng càng lâu cho năng suất càng cao và tăng dần theo sự phát triển của cây.

“Vụ đầu tiên, cây thanh nhãn cho năng suất không cao. Tuy nhiên, trái nhãn bán được 60.000 đồng/kg, khiến gia đình tôi vô cùng phấn khởi. Vì đây là cây trồng mới, thời gian tới, hy vọng sẽ được ngành chức năng hỗ trợ đầu ra để trái thanh nhãn có giá bán ổn định hơn” - ông Đỗ Sĩ Công chia sẻ.

Ông Đỗ Sĩ Công cho biết thêm, tổng kinh phí đầu tư trồng thanh nhãn trên 90 triệu đồng. Ngoài ra, ông Công còn được ngành nông nghiệp huyện đầu tư hỗ trợ hệ thống phun tưới tự động, tạo thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc. Ông Công tâm đắc với hệ thống phun tưới tự động, thay cho cách tưới trước đây, hệ thống béc thông minh giúp tưới khỏe hơn, không bị nghẹt, có bộ lọc ngăn rác. Do đó, chỉ cần hẹn thời gian là cả khu vườn được tưới toàn bộ, không mất thời gian và công sức để theo dõi như trước đây. 

Những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Hòa Lạc rất đáng khích lệ. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng mô hình tổ hợp tác, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, qua đó giúp người nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

ĐỨC TOÀN