Đẩy nhanh triển khai các nhiệm vụ
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ngày 10/10, số 1 và 0 là 2 số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ căn bản của máy tính và là hình ảnh tượng trưng kinh điển cho công nghệ thông tin trước đây và công nghệ số của thời đại ngày nay.
Việc tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Lãnh đạo tỉnh tặng hoa các doanh nghiệp góp phần thực hiện sự kiện chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2022
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, thông qua các nền tảng số “Make in Việt Nam”. Định hướng chuyển đổi số quốc gia xuyên suốt trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Qua đó, hướng tới cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) lên môi trường số.
Cơ hội bứt phá
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh (1832-2022), UBND tỉnh An Giang vừa tổ chức thành công chuỗi sự kiện chuyển đổi số năm 2022, với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số”. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, chuyển đổi số sẽ giúp đưa chính quyền đến gần người dân hơn, đồng thời hỗ trợ chính quyền đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp hơn.
Trung tâm Điều hành thông minh huyện Phú Tân
“Chuyển đổi số là cơ hội để An Giang bứt phá, vươn lên, đưa kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi số tỉnh An Giang là vấn đề nhận thức, lý luận về chuyển đổi số. Điều đó đòi hỏi phải có sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị cho đến người dân. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân, DN là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân, các DN” - bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến thông tin, về xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 cấp tỉnh, An Giang xếp vị trí thứ 42 trên cả nước, giảm thứ hạng so năm 2020 cả về chỉ tiêu tổng thể và các xếp hạng về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cả 3 trụ cột của DTI 2021 An Giang đều có giá trị dưới 0,5. Vì thế, để cải thiện thứ hạng DTI của tỉnh, thời gian tới, An Giang cần làm tốt, với cách làm có sự khác biệt trong việc nâng cao nhận thức số; xây dựng thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số; đảm bảo an toàn thông tin mạng, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trung tâm Điều hành thông minh huyện Châu Phú. Ảnh: MỸ LINH - MỸ HẠNH
Ông Nguyễn Phú Tiến cho rằng, về chính quyền số, An Giang được đánh giá đã cơ bản làm tốt, cần tiếp tục duy trì và phát huy trong thời gian tới. Theo đó, cần khẩn trương chuyển đổi công nghệ sang IPv6, triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung và nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh.
An Giang hiện có hơn 1,9 triệu dân, gần 6.9000 DN và 526.000 hộ gia đình. An Giang với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, vì vậy, để phát triển kinh tế số địa phương, mỗi hộ gia đình cần trở thành 1 DN, trong đó tập trung đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Về xã hội số, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia đề nghị, An Giang tập trung đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng nền tảng số Việt Nam về liên lạc, bản đồ số, đi lại, mua sắm, giao hàng, học tập, sức khỏe, du lịch, đọc sách, thanh toán, giải trí, họp trực tuyến...
Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi
Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm”.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, với nhiều tính năng, tác dụng rất hiện đại của các trang thiết bị, máy móc khác nhau, nếu mỗi người, nhất là người đứng đầu DN, cơ quan, đơn vị, địa phương không tích cực, chủ động thay đổi thói quen cũ, đưa công nghệ số vào thực tiễn công việc thì không thể có những bước đột phá trong phát triển KTXH, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cải thiện đời sống của nhân dân. Vì vậy, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số là việc cần làm ngay.
Song song đó, việc chuyển đổi số phải được diễn ra toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, y tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại… Trong đó, tập trung ưu tiên những ngành, lĩnh vực có khả năng chuyển đổi số nhanh, trọng điểm, mũi nhọn, tạo ra ưu thế, năng suất đem lại hiệu quả cao, như: Giáo dục - đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng, sản xuất công nghiệp…
Đồng thời, tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, DN hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả…
“Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, DN; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành.
|
THU THẢO