Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người già tại viện dưỡng lão ở Tsu, tỉnh Mie, Nhật Bản ngày 12-4-2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Phát biểu tại quốc hội, ông Omi, người đứng đầu nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với dịch COVID-19, nêu rõ chính phủ cần mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm do số lượng các ca nhiễm mới đang gia tăng cực kỳ nhanh chóng.
Đáng chú ý, ngày 14-4, tỉnh Osaka vẫn ghi nhận thêm 1.130 ca nhiễm mới bất chấp việc chính phủ đã cho phép chính quyền tỉnh này áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm từ ngày 5-4. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới ở tỉnh tăng cao kỷ lục. Trong khi đó, thủ đô Tokyo phát hiện thêm 591 ca, tăng 81 ca so với một ngày trước đó. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới ở Tokyo ở trên ngưỡng 500 ca/ngày.
Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp khác của một ủy ban của Quốc hội, ông Omi, người đã từng giữ chức Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khuyến nghị cần phải cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp ở Osaka. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị chính phủ hỗ trợ hệ thống y tế đang quá tải ở tỉnh Osaka với việc cử các nhân viên y tế từ những khu vực khác tới đây.
Về phần mình, ông Hirofumi Yoshimura, Thống đốc Osaka, cho biết ông sẽ cân nhắc đề nghị chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp ở tỉnh này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Suga Yoshihide vẫn tỏ ra thận trọng trước việc liệu nước này đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 4 hay chưa. Phát biểu tại một phiên họp toàn thể của Thượng viện, Thủ tướng Suga nói: “Tôi chưa thấy một làn sóng (lây nhiễm) lớn trên toàn quốc”.
Mặc dù vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn cân nhắc cho phép chính quyền một số tỉnh khác áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm cùng với 6 tỉnh, thành đã nằm trong danh sách này gồm: Osaka, Hyogo Miyagi (từ ngày 5-4) và Tokyo, Kyoto, Okinawa (từ ngày 12-4).
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, cảnh báo sự gia tăng gần đây của số lượng ca nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao ở các tỉnh Saitama và Aichi là đáng lo ngại, đồng thời cho biết chính quyền trung ương đang phối hợp với chính quyền hai tỉnh này để tăng cường các biện pháp chống dịch.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) và Bộ Y tế Thái Lan đang cân nhắc áp đặt các biện pháp mới nhằm đối phó với việc số lượng các ca nhiễm COVID-19 mới đang gia tăng.
Truyền thông sở tại dẫn lời Tổng Thư ký NSC Nattapol Nakpanit ngày 14-4 cho biết hai cơ quan nói trên đang thảo luận về phương án áp đặt lệnh phong tỏa đối với các tỉnh có nguy cơ cao như Bangkok, Chiang Mai và Prachuap Khiri Khan để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh. Ông Nattapol cũng cho biết thêm rằng Thủ tướng Thái Lan đã đề nghị NSC sẵn sàng cho các biện pháp mạnh.
Trong ngày 14-4, Thái Lan đã ghi nhận số lượng các ca mắc COVID-19 mới theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch này xuất hiện ở nước này đầu năm ngoái. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) xác nhận thêm 1.335 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 35.910, trong đó có 97 ca tử vong. Các ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua chủ yếu ở thủ đô Bangkok, với 351 ca, tiếp theo là các tỉnh Chiang Mai (319 ca) và Prachuap Khiri Khan (161 ca).
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) Opas Karnkawinpong, hầu hết các ca nhiễm mới được ghi nhận nói trên đều có liên hệ với những địa điểm giải trí vào ban đêm. Ông nhấn mạnh việc hạn chế di chuyển của người dân sẽ kiềm chế được tốc độ lây lan và mỗi tỉnh đều có thể đóng một vai trò quan trọng.
Cho tới nay, đã có 43/77 tỉnh trên toàn quốc đã áp đặt các hạn chế đối với du khách để không khuyến khích việc đi lại. Trong khi đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho các quan chức trong tất cả các cơ quan nhà nước làm việc tại nhà cho đến cuối tháng nếu có thể và khuyến nghị khu vực tư nhân làm theo để giúp ngăn chặn sự lây lan của đợt bùng phát thứ ba.
Nhằm đối phó với với số ca mắc COVID-19 đang gia tăng, các lực lượng vũ trang Thái Lan và Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đã hỗ trợ chuẩn bị gần 5.000 giường bệnh tại các bệnh viện dã chiến trên toàn quốc. Ngoài ra, Bộ Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới đã chuyển đổi 37 trường đại học và học viện trực thuộc trên toàn quốc thành các bệnh viện dã chiến và cơ sở cách ly để có thể tiếp nhận được 12.822 bệnh nhân.
Theo ĐÀO THANH TÙNG - NGỌC QUANG (TTXVN)