Chuyên gia Mỹ đề xuất bốn bước phi hạt nhân hóa Triều Tiên

01/06/2018 - 07:45

Phi hạt nhân hóa chắc chắn là chủ đề quan trọng trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra tại Singapore ngày 12-6 tới. Trong khi Mỹ và Triều Tiên đều có cách hiểu khác nhau về phi hạt nhân hóa, chuyên gia Viện Brookings đề xuất 4 bước thực hiện tiến trình này.


Theo ông Michael O’Hanlon, thành viên cấp cao về chính sách đối ngoại của Viện Brookings, tin tức về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều gần đây có nhiều diễn biến thú vị. Hội nghị thượng đỉnh có thể là một ý tưởng tồi nếu nó thất bại. Tuy nhiên, trong thực tế, khả năng thành công là có thật nếu cả Mỹ và Triều Tiên đều tỏ thiện chí muốn đạt được một thỏa thuận lịch sử trong một cuộc gặp lịch sử. 

Về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Mỹ muốn quá trình này phải diễn ra toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, còn Triều Tiên muốn tự phi hạt nhân hóa theo lộ trình riêng mà không phải chịu sức ép từ bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, ông Michael O’Hanlon đã đề xuất một quá trình phi hạt nhân hóa gồm 4 bước dưới quan điểm của Mỹ.

Ngừng thử hạt nhân

Đây là giai đoạn đang diễn ra. Triều Tiên đã tuyên bố ngừng thử hạt nhân, tên lửa, đồng thời vừa phá hủy bãi thử hạt nhân duy nhất dưới sự chứng kiến của hàng chục nhà báo quốc tế ngày 24/5 vừa rồi. 

Triều Tiên cho nổ tung đường hầm ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: KCNA

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, đây là các động thái đáng khích lệ, tạo không khí tích cực cho hộ nghị giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Chấm dứt sản xuất vật liệu phân hạch

Đây là một bước quan trọng để ngăn chặn sản xuất một quả bom hạt nhân. Để đạt được điều này, Triều Tiên sẽ phải ngừng mọi hoạt động hạt nhân hiện có, cung cấp cơ sở dữ liệu về các khu vực sản xuất hiện nay cho thanh sát viên quốc tế, cho phép thanh sát viên thăm các khu vực sản xuất cũng như khu vực bị nghi ngờ. 

Có hai khả năng: Các thanh sát viên có thể không tìm thấy kho đầu đạn hạt nhân hoặc Triều Tiên sẽ đồng ý giao toàn bộ thông tin về sở hữu hạt nhân cho cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, sẽ không thể vô hiệu hóa hoặc dỡ bỏ vĩnh viễn các khu vực sản xuất hạt nhân này nhanh chóng.

Dỡ bỏ cơ sở hạ tầng

Tại giai đoạn này, Triều Tiên vẫn đang giữ lại các đầu đạn hạt nhân nhưng sẽ ngừng đầu tư hàng trăm triệu USD vào các khu vực sản xuất hạt nhân và tháo dỡ các cơ sở hạ tầng liên quan.

Lò phản ứng hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Ảnh: Kyodo

Để đổi lại, cộng đồng quốc tế phải thực hiện một số nguyên tắc cơ bản để đảm bảo nỗ lực phi hạt nhân hóa thành hiện thực. Theo ông Michael O’Hanlon, phần lớn các biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn cần được tiếp tục áp dụng cho tới khi quá trình giải giáp hạt nhân thực sự bắt đầu diễn ra cho đến giai đoạn cuối của quy trình.

Còn với các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, ông Michael O’Hanlon lại đề xuất dỡ bỏ một phần và tiếp tục thực thi một phần. Có thể liệt kê một số nghị quyết trừng phạt Triều Tiên như sau: Nghị quyết 1718 năm 2006, Nghị quyết 2371 tháng 8/2017, Nghị quyết 2397 tháng 12/2017. Ngoài ra, còn có một số nghị quyết này tập trung trừng phạt các cá nhân, công ty tham gia buôn bán công nghệ liên quan tới tên lửa đạn đạo, như Nghị quyết 2087 tháng 1/2013 hay Nghị quyết 2270 tháng 3/2016 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Giải trừ quân bị

Tại giai đoạn này, các biện pháp trừng phạt của Mỹ cần được dỡ bỏ khi các đầu đạn hạt nhân được đưa ra khỏi Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ thường được luật hóa, ví dụ như Đạo luật Hỗ trợ nước ngoài năm 1961, Đạo luật Thương mại năm 1974, Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí năm 1976, Đạo luật Quản lý xuất khẩu năm 1979, Đạo luật Không phổ biến hạt nhân Syria, Triều Tiên và Iran năm 2000. Do đó, Mỹ cần phải thay đổi luật tại giai đoạn này, từ đó, Triều Tiên có thể thực hiện một số khoản vay từ Ngân hàng Thế giới hoặc được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ trợ cấp.

Phi hạt nhân hóa sẽ là chủ đề quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: AFP

Trong giai đoạn này, ông Michael O’Hanlon cho rằng cần đề cập tới một hiệp ước hòa bình, khôi phục quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đa phương giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, để khôi phục quan hệ Mỹ-Triều hoàn toàn, cần phải chờ tới giai đoạn kết thúc giải trừ quân bị.

Theo ông Michael O’Hanlon, Mỹ rất may mắn thì mới có thể đạt mục tiêu giải giáp hạt nhân vĩnh viễn, có thể xác minh và không thể đảo ngược trong một lần thực hiện. Nếu không, bốn bước phi hạt nhân hóa kể trên là điều khả thi hơn.

Chuyên gia Michael O’Hanlon kết luận: Vì giải giáp hạt nhân Triều Tiên hoàn toàn và ngay lập tức là điều cực kỳ khó xảy ra chỉ sau một hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, nên các lãnh đạo Mỹ sẽ cần một khung ý tưởng kiểu như trên để định hướng quá trình trước khi tới Singapore.

Cần tới 15 năm để giải giáp Triều Tiên

Dù có các bước cụ thể nhưng quá trình giải giáp hạt nhân Triều Tiên sẽ rất tốn thời gian. Theo tiến sĩ Siegfried Hecker, giáo sư Đại học Stanford, quá trình này có thể kéo dài tới 15 năm.

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia trường Stanford, họ chia quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài một năm là ngừng các hoạt động nhân sự, công nghiệp và quân sự liên quan tới hạt nhân. Giai đoạn hai mất 5 năm là thu hẹp các cơ sở, khu vực và vũ khí hạt nhân. Giai đoạn cuối và là giai đoạn khó khăn nhất có thể mất tới 10 năm: loại bỏ hoặc hạn chế các chương trình và nhà máy hạt nhân.

Theo tiến sĩ Hecker, thời gian xử lý ô nhiễm và từ bỏ một nhà máy hạt nhân có liên quan tới chất phóng xạ có thể mất cả thập kỷ hoặc hơn.

Ông cho biết ước tính thời gian 15 năm cho quá trình phi hạt nhân hóa theo quan điểm của ông và nhóm Stanford là dựa trên tình trạng phức tạp cả về mặt kỹ thuật và chính trị mà Mỹ và Triều Tiên sẽ đối mặt khi tìm kiếm một thỏa thuận lịch sử.

Chính quyền của Tổng thống Trump chưa công khai chi tiết về các bước cụ thể của tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên và cũng không nói rõ Mỹ sẽ có yêu cầu gì với TriềuTiên.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)