Hành trình 80 năm ngoại giao và định hướng trong kỷ nguyên mới

28/07/2025 - 15:33

Sáng 28/7, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo “Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc”.

Chú thích ảnh

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao tại Hội nghị ngoại giao lần thứ nhất vào tháng 3/1957. (Ảnh tư liệu)

Những thành tựu của ngành Ngoại giao 

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao, hướng tới đại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước. Ngành Ngoại giao có một vinh dự vô cùng đặc biệt là được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Kế thừa truyền thống ngoại giao của ông cha qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dưới ánh sáng của Đảng và Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh suốt chặng đường 80 năm qua, ngoại giao Việt Nam đã luôn tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, có nhiều đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.  

"Hội thảo là dịp quan trọng để chúng ta vừa nhìn lại chặng đường đã qua, vừa định hình tầm nhìn cho chặng đường nhiều thập kỷ tới trong kỷ nguyên mới. Từ đó, nâng tầm nhận thức và đề xuất các định hướng lớn cho sự phát triển của nền Ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và mang đậm bản sắc dân tộc trong thời đại mới", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng ngoại giao như một vũ khí sắc bén để thêm bạn bớt thù, phân hóa hàng ngũ đối phương, giữ vững chính quyền non trẻ, tranh thủ thêm thời gian và lực lượng cho cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cùng với các mặt trận chính trị và quân sự, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, góp phần cụ thể hóa các thắng lợi trên chiến trường thành chiến thắng trên bàn đàm phán, chấm dứt chiến tranh.

Bên cạnh đó, ngoại giao Việt Nam luôn khẳng định vai trò tiên phong trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi nước nhà thống nhất, ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hòa bình, phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng cục diện đối ngoại bằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngoại giao đi đầu đưa đất nước dần hội nhập vào khu vực và quốc tế, đặc biệt qua các cột mốc lịch sử như gia nhập ASEAN, APEC, WTO... ký kết, tham gia hàng trăm thỏa thuận, điều ước quốc tế.

Đặc biệt, ngoại giao kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trung tâm, một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Việt Nam đã thu hút được hàng trăm tỷ USD vốn FDI, trở thành một trong Top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, là một mắt xích quan trọng trong 17 FTA gắn kết chúng ta với hơn 60 nền kinh tế quan trọng trên thế giới...

Mặt khác, ngoại giao đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế đất nước, đưa Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ chính trị thế giới đến vai trò, vị trí ngày càng tăng trong nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.

Ngoài ra, công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao đạt nhiều thành tựu vượt bậc. Từ chỗ chỉ có khoảng 20 cán bộ, nhân viên, Bộ Ngoại giao hiện nay đã có trên 2.000 cán bộ, nhân viên cả trong và ngoài nước. Chúng ta đã có hệ thống 98 Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và đang tiếp tục mở rộng hơn nữa sự hiện diện của đất nước trên bản đồ ngoại giao thế giới. Tổ chức bộ máy Bộ Ngoại giao đang ngày càng hoàn thiện, hiện đại. Lịch sử 80 năm qua đã có nhiều nhà ngoại giao Việt Nam xuất sắc, được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng đã thể hiện trí tuệ và bản lĩnh được bạn bè quốc tế cũng như đối phương nể trọng.

Tuy nhiên, tự hào về lịch sử 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Việc triển khai và tranh thủ lợi ích từ các thỏa thuận, cam kết quốc tế còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn; công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược có lúc chưa theo kịp với diễn biến nhanh chóng, khó lường của tình hình; nguồn lực dành cho các lực lượng làm công tác đối ngoại, ngoại giao còn chưa tương xứng với thế và lực mới của đất nước cũng như yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại...

Chú thích ảnh

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Lê Vân

Định hướng Ngoại giao trong kỷ nguyên mới

Thời gian qua, đã có nhiều diễn đàn, công trình nghiên cứu, tổng kết về lịch sử Ngoại giao, nhưng Hội thảo hôm nay là lần đầu tiên trao đổi về cả hành trình dài 80 năm của Ngoại giao Việt Nam, tầm nhìn và định hướng cho ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Do đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, Hội thảo cần phát huy cao độ trí tuệ, tập trung trao đổi để làm rõ 5 vấn đề trọng tâm của ngành: 

Tổng kết thực tiễn lịch sử 80 năm, góp phần hoàn thiện lý luận của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trên cả hai mặt là công tác đối ngoại và xây dựng ngành, rút ra các bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình mới để triển khai đồng bộ, hiệu quả nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp với 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt hiện nay, cần làm rõ thêm các nguyên tắc kinh điển của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh như “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, bài học về độc lập, tự chủ, triết lý “Ngũ tri” trong xử lý quan hệ với các nước lớn. Xác định rõ bản sắc và giá trị cốt lõi của trường phái Ngoại giao Việt Nam. Trong đó, phân tích rõ thêm yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại của nền ngoại giao hòa hiếu, nhân văn, chuộng chính nghĩa, yêu lẽ phải. Cần lấp đầy những khoảng trống về lý luận, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời đậm đà bản sắc dân tộc.

Xác định nội hàm của của ngoại giao trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là cụ thể hóa nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”. Tổng Bí thư Tô Lâm và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định, cùng với bảo đảm quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên. Đề nghị các đại biểu và các nhà khoa học phân tích sâu về việc thể chế hóa vai trò “trọng yếu, thường xuyên” cả từ góc độ tổ chức bộ máy, phân bổ nguồn lực, định hướng nhiệm vụ và cách thức triển khai. Đề xuất biện pháp thể chế hóa hơn nữa phối hợp Quốc phòng – An ninh – Đối ngoại cũng như giữa đối ngoại với kinh tế - xã hội và văn hóa theo cách tiếp cận liên ngành, đa ngành của ngoại giao hiện đại. Để thực sự là “trọng yếu, thường xuyên”, ngoại giao cần phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp như thế nào.

Đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, ngoại giao trong tình hình mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định ngoại giao Việt Nam phải vươn lên những tầm cao mới để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới. Trong kỷ nguyên mới, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển sẽ là ưu tiên của ưu tiên. Do đó, các nhà khoa học phân tích sâu về việc đổi mới nội dung, hình thức, cách làm ngoại giao kinh tế để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số từ sau Đại hội Đảng XIV, đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Về hội nhập quốc tế và ngoại giao đa phương, trên cơ sở Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị và Kết luận 125 của Ban Bí thư, Hội thảo đề xuất ý tưởng, giải pháp để thực sự chuyển trạng thái và cách tiếp cận từ thụ động sang chủ động, từ tiếp nhận sang định hình, từ tham gia sang đóng góp…

Đề xuất những sáng kiến, giải pháp cho công tác xây dựng ngành Ngoại giao. Bác Hồ nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Hội thảo lần này sẽ tổng hợp các ý kiến tâm huyết, sáng kiến khả thi góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao “vừa hồng, vừa chuyên”, có năng lực và trình độ ngang tầm khu vực, dần tiệm cận trình độ quốc tế. Trong đó, dành ưu tiên cho công tác xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, đề xuất các giải pháp bảo đảm cơ sở vật chất, chế độ chính sách để cán bộ ngoại giao yên tâm công tác.

Đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu định hướng chiến lược cho Đảng và Nhà nước. Nghiên cứu là cái gốc của ngoại giao, sau khi hợp nhất Ban Đối ngoại và tiếp nhận một phần nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Ngoại giao là cơ quan chuyên trách duy nhất trong tham mưu định hướng chiến lược, tổ chức triển khai và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn mong các nhà khoa học hiến kế, đại biểu đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng, thời gian tính của các sản phẩm nghiên cứu, tham mưu cho Đảng và Nhà nước. "Mục đích là để chúng ta ngày càng có thêm nhiều sản phẩm 'mang tính cột mốc' như Nghị quyết 13 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới, Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế và Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, cũng như nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị khác…của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho hay.

Theo Baotintuc.vn