Chuyện hiến máu của 2 người phụ nữ

10/03/2020 - 05:52

 - Các nhân vật trong bài viết là tấm gương phụ nữ sống hết lòng vì cộng đồng, thông qua nghĩa cử hiến máu tình nguyện trên dưới 40 lần. Trái ngược với sự hình dung của tôi, họ lại nói về nghĩa cử ấy một cách nhẹ nhàng, đơn giản, chẳng so đo tính toán nhận gì, mất gì.

Hơn 60 tuổi vẫn mong muốn được hiến máu

Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (sinh năm 1959, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khóm 6, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, An Giang) có nhiều năm công tác ở khóm. Năm 2004, khi phong trào hiến máu nhân đạo được phát động lần đầu tiên, bà có trách nhiệm vận động hội viên, người dân tham gia. Bản thân bà chưa từng hiến máu lần nào, nhưng cần phải làm gương, đi đầu.

“Đăng ký xong, tôi cũng lo sợ đủ thứ: sợ đau, chảy máu trong quá trình lấy máu; sợ phát hiện bệnh tiềm ẩn trong người; sợ sức khỏe suy giảm sau khi hiến máu… Ai dè, mọi thứ diễn ra thuận lợi, tôi không thấy mệt mỏi hay có sự cố gì, nằm nghỉ 10 phút là có thể ra về. Kể từ đó, tôi mạnh dạn tham gia hiến máu thường xuyên.

Theo quy định, phụ nữ chỉ được hiến máu 3 lần/năm. Nhưng tôi thấy sức khỏe mình rất tốt, nên thường “xin” được hiến máu thêm lần nữa. Đến nay, số lần hiến máu của tôi chắc trên 40. Tuy nhiên, tôi để lạc một số giấy chứng nhận, chỉ còn 38 giấy” - bà Tươi chia sẻ.

16 năm nay, bà vừa tích cực đi hiến máu, vừa tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, mọi dịp để vận động hội viên, người dân tham gia. Thấy bà hiến máu rất nhiều lần mà sức khỏe vẫn bình thường, bà con trong khóm yên tâm, tích cực hưởng ứng phong trào mỗi khi có đợt vận động hiến máu. Tính ra, bình quân mỗi năm người dân trong khóm 6 hiến từ 100-120 đơn vị máu. Thậm chí, người nhà của bà Tươi cũng tích cực tham gia, chồng và con bà đều đã hiến máu hàng chục lần.

Lần cuối cùng bà Tươi được hiến máu là tháng 1 vừa qua. Thành tích hiến máu của bà dừng lại ở con số 38. Cảm xúc trong bà giờ đây là… buồn, tiếc nuối. “Qua 60 tuổi, tôi không còn được hiến máu nữa. Lần vừa rồi là tôi năn nỉ để được hiến, đáng lý ra họ không nhận máu của tôi nữa. Tôi cảm thấy trong người rất khỏe, sẵn sàng cho những lần hiến máu tiếp theo, nhưng không thể làm khác quy định. Cứ nghĩ đến việc xã hội đang rất cần máu, mà bản thân tôi không thể cho đi được, thật là uổng. Tôi mong rằng, bà con xung quanh mình, nếu đủ sức khỏe thì nên tích cực thực hiện nghĩa cử cao đẹp này” - bà Tươi nhắn nhủ thông qua tôi.

Hiến máu bất kỳ lúc nào được vận động

Chị Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1977, ngụ khóm Phó Quế, phường Mỹ Long) đang được đề xuất khen thưởng về thành tích 40 lần hiến máu. Tôi khá ngạc nhiên khi biết, chị chỉ là người buôn bán cá thuê cho một tiểu thương ở chợ, nhưng đã tham gia hiến máu nhân đạo từ năm 2004, khi được bà Tươi vận động.

Chị Loan nhớ lại: “Lúc đó, tôi khá lo sợ. Nhưng nghe chị Tươi động viên, tôi mạnh dạn tham gia, hiến 350ml máu. Từ đó về sau, bất kỳ lúc nào địa phương cho hay có đợt hiến máu, tôi đều đăng ký. Tính ra, tôi hiến máu hơn 50 lần, chỉ có điều đã để lạc mất giấy chứng nhận”.

Giải thích nguyên nhân tích cực hiến máu, chị Loan nói rất đơn giản: những người có điều kiện về kinh tế sẽ giúp đỡ xã hội bằng cách đóng góp vật chất, tài sản, tiền bạc. Chị là người buôn bán, cuộc sống khó khăn, tài sản quý nhất là nguồn máu khỏe mạnh đang có trong người. Trong khi đó, máu dùng để chữa trị cho người bệnh hiện đang khan hiếm. Xã hội cần, mà mình đang có sẵn, thì cứ cho đi thôi! Thậm chí, chị nhiều lần cho máu sống tại bệnh viện, khi thấy cần thiết. Một mình cho không được nhiều, chị vận động em trai, em gái và các cháu trong nhà cùng tham gia.

Buôn bán thuê cho người khác, nên thời gian của chị không được thuận tiện. Đến giờ hiến máu, chị nhờ người trông dùm mớ cá và “có công chuyện đột xuất”, rồi chạy nhanh lại nơi tổ chức. Hiến xong, chị chạy riết trở về buôn bán tiếp. Sau này nhiều người biết, xầm xì rằng chị tham tiền, hèn chi bán máu nhiều như vậy. Họ bảo coi chừng về sau sẽ bị loãng máu… Chị nghe được, chỉ cười: “Ai nói gì mặc kệ, tôi thấy sức khỏe của mình vẫn tốt là được rồi. Tiền bồi dưỡng hiến máu với tôi chẳng quan trọng, mà tôi hiến máu vì nghĩ đến những người cần máu”.

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng lời chia sẻ của chị Loan. Thời gian này, chị rời quê đi Bình Dương làm công nhân. Lễ hội Xuân hồng vừa rồi, chị không thu xếp về được, nên vắng mặt. Chị hứa với tôi, nếu sau này ở công ty, nhà trọ hoặc bất kỳ nơi nào tổ chức hiến máu, chị sẽ thu xếp tham gia nhiệt tình, giống như lúc còn ở quê. Chị Loan và bà Tươi đều cảm thấy hạnh phúc khi được hiến máu, khi thấy mình sống có ích cho cộng đồng!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH