A A

Nếu không phải là người địa phương, sẽ chẳng ai biết bến cỏ nằm ở đâu. Gọi là “bến” cho sang, chứ thật ra, đó chỉ là khoảnh nước nhỏ, đủ để mấy chiếc xuồng quay trở đầu, tấp cỏ vào bờ.
 

húng tôi ghé xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) sớm đến mức, bến cỏ lẫn chợ cỏ nơi đây chưa hoạt động. Chị Nguyễn Thị Hạnh (32 tuổi, một phụ nữ địa phương) cặm cụi bên xe nước giải khát. Vắng khách, chị kể chuyện đời mình. Từ xứ khác về đây lập nghiệp, sống cùng cha già và 2 con nhỏ, chị chứng kiến bao đổi thay của xóm cỏ. Đã có thời, người dân sống khỏe nhờ cỏ. Chợ cỏ Ô Lâm trở thành địa điểm nổi tiếng xa gần đối với nhiều người, nhất là những hộ chăn nuôi bò. Cực thịnh ắt sẽ suy, nghề dần mai một, đặc biệt là “giọt nước tràn ly” của đợt dịch COVID-19.

Như minh chứng lời chị Hạnh, bến cỏ im lìm suốt 2 năm dịch bệnh hoành hành. Người dân nuôi bò ít hẳn, tương đương với việc chợ cỏ trở nên dư thừa. Dù rất nhớ thương nghề, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer địa phương đành ngậm ngùi chấp nhận, tạm chọn nghề khác mưu sinh. Còn sót lại ở bến, chỉ là vài chiếc vỏ lãi buồn hiu.

Một cô bé dân tộc thiểu số Khmer đứng đợi ở bến cỏ khi nắng lên cao. Nhiệm vụ hôm nay của cô bé là mua được mớ cỏ đem về cho bò ăn. Không phụ sự chờ đợi của cô bé, chiếc vỏ lãi chở cỏ đầu tiên tấp vào bến.

Rồi chiếc xuồng thứ hai cũng trờ tới, đầy ắp cỏ mà chẳng đủ nặng để khẳm xuồng… Họ chở cỏ từ đồng xa tít về, quãng đường di chuyển dài, nên chợ chỉ nhóm họp vài giờ buổi trưa (từ 10 giờ đến 16 giờ).

Bạn hàng, người mua kẻ bán xúm lại, tiếp nhau chuyển cỏ lên bờ. Mặt hàng này lạ lắm, không sợ hư hao, cũng chẳng cần đẹp xấu. Mỗi bó cỏ ngập vòng tay ôm có giá 5.000 đồng. Bán sạch cỏ trên xuồng, tiền nhận lại chưa tới 100.000 đồng!

Ông Chau Rem (57 tuổi) vừa kết thúc cuộc điện thoại báo “cỏ đã về” cho khách quen. Nụ cười rám nắng bừng sáng trên gương mặt khắc khổ. Ròng rã 20 năm, từ 4-5 giờ sáng, ông chuẩn bị xuồng đi sang huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), cắt từng ngọn cỏ mưu sinh.

Cô bé đứng đợi ở bến cỏ từ sớm đã trở thành khách hàng đầu tiên mua được 2 bó cỏ trong trưa nay. Niềm vui “hoàn thành nhiệm vụ” người lớn giao làm rạng rỡ gương mặt bé, giữa màu xanh ngăn ngắt của cỏ.

Một cậu bé khác thành thục buộc, chất đám cỏ - cồng kềnh hơn cả thân mình – lên xe đạp. Ông ngoại cắt cỏ sẵn, gửi tạm ở bến cỏ từ chiều hôm trước, rồi giao nhiệm vụ cho cậu bé sáng hôm sau tranh thủ chở về, “trả mặt bằng” để chợ cỏ hoạt động.

Ông Chau Vát cũng hòa vào nhóm người mua bán rộn ràng ở chợ cỏ. 20.000 đồng cỏ mua được, ông đem về cho bò ăn, đỡ cực công đi cắt cỏ, dành thời gian làm chuyện khác.

Bến cỏ, chợ cỏ hôm ấy đầy nụ cười nắng gió. Với họ, cỏ là phương tiện mưu sinh đặc biệt, chăm lo cho gia đình họ mấy mươi năm. Đã trót gắn bó, làm sao bỏ được ngày một ngày hai. Khi nào còn hộ chăn nuôi bò, thì khi ấy, họ còn kiếm được thu nhập, bến cỏ còn tấp nập xuồng tới lui. Nụ cười “được mùa cỏ”3 sẽ còn chao nghiêng trên bến…

Có đứa trẻ vừa tan học, theo chân mẹ ra chợ mua cỏ. Có lẽ, em bé chẳng hiểu chợ cỏ mang lại ý nghĩa gì cho người lớn đâu. Nhưng ký ức thuở nhỏ sẽ in đậm trong tâm trí, là tuổi thơ đặc biệt của bé về sau!

Từ khóa bến cỏÔ Lâm