Cô giáo có nhiều sáng kiến với giáo dục vùng cao

19/11/2023 - 08:50

17 năm gieo chữ ở nơi non cao huyện Trạm Tấu (Yên Bái), cô giáo Trương Thị Hương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Khấu Ly, xã Bản Mù có thể nở nụ cười hạnh phúc, khi hôm nay học sinh của mình được học trong ngôi trường khang trang, kiên cố, được thầy cô chăm sóc chu đáo, không còn những lớp học mái lá không che nổi nắng mưa như những tháng ngày tuổi trẻ cô đi "cắm bản".

Cô giáo Trương Thị Hương là một trong 200 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu năm học 2022 – 2023 vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.

Tuổi thanh xuân bám trường, bám bản

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao Trạm Tấu, tử thời thơ bé, Trương Thị Hương đã chứng kiến những bạn gái cùng trang lứa với mình vì tập tục trọng nam khinh nữ của đồng bào Mông mà không được đến trường. Những ngày mùa đông lạnh giá, khi mình được quấn trong mấy lớp áo ấm vẫn còn thấy buốt tê tái thì các bạn gái vẫn mải miết lên nương từ tờ mờ sáng, đôi má, đôi môi nứt nẻ vì sương muối. Cá biệt, có bạn đã trở thành những bà mẹ khi còn rất trẻ, ầu ơ lời ru buồn trên nương... Tất cả những điều đó cứ ám ảnh trong tâm trí cô bé Hương và thôi thúc cô chọn nghề giáo với ước mơ thay đổi cuộc sống cho các bé gái vùng cao.

Với học lực khá, Hương có rất nhiều sự lựa chọn nhưng cô quyết tâm đăng kí thi vào trường sư phạm. Bà Phạm Thị Duyệt, mẹ của Hương bộc bạch: "Ở đây, tôi được chứng kiến các thầy, cô giáo chiều Chủ nhật hằng tuần lại gùi thức ăn lên bản, không có gì ngoài cá khô, lạc. Nếu có mua được ít thịt tươi cũng chỉ duy trì được 2 ngày đầu tuần còn chủ yếu là ăn đồ khô. Rồi khi mưa gió đi bộ, đường núi trơn trượt, lúc trèo đèo, lội suối mùa lũ..., ở bản cả tuần đến chiều thứ Sáu lại đi bộ xuống núi mà thấy thương vô cùng. Nhưng trước quyết tâm của con, tôi cũng không cản vì nghĩ nếu ai cũng như mình thì tương lai của con trẻ nơi vùng cao sẽ ra sao".

Ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, cô Hương quay về quê hương công tác. Nơi đầu tiên cô đến làm việc là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phình Hồ (nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phình Hồ) cách nhà khoảng 50km đường núi. Giấu những khó khăn vất vả trong lòng, kìm lại những giọt nước mắt nơi rừng xanh xa xôi, cô bắt tay vào học tiếng Mông. Hằng tuần, cô cùng Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đi vận động các bé gái đến trường, đúng như ấp ủ và dự định suốt những năm tháng trên ghế nhà trường. 

Nhiệt huyết là vậy, quyết tâm là thế nhưng khi vào thực tiễn cuộc sống không ít lần cô Hương phải khóc vì dù có nói đến thế nào, đêm hôm lặn lội đến nhà dân bao nhiêu lần thì có những em gái vẫn không chịu đến trường. Gia đình cấm cản là một một chuyện, cái chính là các bé gái chỉ muốn ở nhà vì mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp… Sau những đêm trằn trọc mất ngủ, cô Hương cùng các đồng nghiệp quyết tâm gỡ nút thắt từ chính các em. Hết giờ lên lớp, các cô đến nhà tiếp cận các bé gái, dạy hát, dạy múa, dạy những con chữ đầu đời và kể cho các bé nghe về thế giới tươi đẹp sau những dãy núi cao tít tắp. Rồi cô lại tâm sự với các bà, các mẹ về những thiệt thòi, vất vả do không đến trường để họ động viên con cháu đi học, thay đổi cuộc sống… Cảm động trước tấm lòng của cô giáo trẻ, chỉ sau 2 năm, ở lớp học của cô Hương, học sinh nữ ra lớp đã đông hơn, nhiều em không còn nghĩ đến việc lấy chồng sớm.

Cô giáo Trương Thị Hương luôn lựa chọn phương pháp dạy phù hợp với học sinh người dân tộc thiểu số. 

Khi chuyển lên xã Bản Mù công tác, với kinh nghiệm sẵn có, cô Hương nhanh chóng tiếp cận với môi trường mới, cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương và các đồng nghiệp tiếp tục vận động học sinh ra lớp. Ở Bản Mù địa bàn rộng, người dân sinh sống không tập trung, có những học sinh để đến được trường phải đi bộ cả ngày đường. Khi ấy, dù nhà gần hơn trường nhưng vì thương trò, yêu nghề nên rất nhiều ngày nghỉ, cô giáo Hương không về nhà mà dành thời gian lên bản tìm học sinh đi học. 

Cô Hương cho biết, lứa tuổi Trung học cơ sở là lứa tuổi trở thành lao động chính trong gia đình vùng đồng bào dân tộc nên những ngày mùa bận rộn, dịp lễ tết là học sinh tự nghỉ học, chất lượng giáo dục vì thế luôn bị chững lại. Không còn cách nào khác là các thầy cô tự mình lên bản vận động gia đình học sinh. 

Anh Giàng A Trang, Chủ tịch UBND xã Bản Mù, từng là học trò Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Khấu Ly khi xưa chia sẻ: "Mình thuộc thế hệ mà hễ nhà có việc là nghỉ học, nhưng quả thật sự kiên trì của các thầy cô làm mình cảm động. Cô giáo bé nhỏ, trẻ tuổi mà mưa gió cũng tìm đến nhà, nhìn các cô toàn bùn từ đầu đến chân mà bố mẹ không nỡ bắt mình nghỉ học nữa, để rồi mình có được những thành quả như ngày hôm nay".

Nhiều sáng kiến phù hợp với giáo dục vùng cao

Từ những sự nỗ lực của cô Hương cùng nhiều thầy cô giáo, hôm nay ở vùng cao, tất cả học sinh đều được mẹ cha cho đến lớp. Trường học giờ đây cũng được kiên cố, đầy đủ trang thiết bị, là điều kiện để các thầy cô giáo tập trung vào việc giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. 

Giảng dạy môn Toán, cô Hương luôn lựa chọn phương pháp phù hợp với học sinh người dân tộc thiểu số. Cụ thể, để các em dể hiểu, dễ nhớ, cô đã thiết kế bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu, kết hợp việc sử dụng các đồ dùng, thiết bị, phương tiện trong dạy học. Đặc biệt, cô có nhiều sáng kiến thiết thực trong giảng dạy như: Năm học 2021-2022 là sáng kiến "Tổ chức trò chơi tạo hứng thú cho học sinh trong học tập bộ môn Toán lớp 7". Năm học 2022 - 2023, cô tiếp tục đưa ra sáng kiến "Đánh giá hoạt động nhóm các tiết trải nghiệm sáng tạo môn Toán Trung học cơ sở bằng phiếu khảo sát và phiếu đánh giá theo tiêu chí"... Cùng với đó, cô luôn gần gũi chuyện trò, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để có sự giúp đỡ, động viên kịp thời, giúp các em hòa nhập thích nghi với môi trường học tập.

Một tiết dạy học của cô giáo Trương Thị Hương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Khấu Ly, xã Bản Mù.

Em Sùng A Phông, lớp 7A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Khấu Ly chia sẻ: Mỗi tiết dạy của cô Hương rất hứng thú, chúng em không phải lo lắng với những bài tập khó vì cách dạy của cô rất dễ hiểu. Những bạn chưa hiểu thì cô giảng thêm để nắm được bài.

Cô giáo Nguyễn Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Khấu Ly nhận xét: Cô Hương là một tấm gương nhà giáo tiêu biểu về tinh thần trách nhiệm trong công việc, chưa bao giờ ngại khó khăn, gian khổ, thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ được phân công, luôn được đồng nghiệp và học trò yêu mến. Năm học nào cô Hương cũng có học sinh giỏi cấp trường; lớp cô chủ nhiệm có tỷ lệ chuyên cần luôn đạt trên 97%, tỷ lệ ra lớp đúng độ tuổi đạt 100%, tỷ lệ học sinh khá giỏi luôn ở tốp đầu trong trường...

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu Bùi Thanh Tùng cho biết: Cô Hương không chỉ có chuyên môn giỏi, yêu nghề, mến trẻ mà còn rất nhiệt tình tham gia các phong trào của ngành phát động, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Những tấm gương như cô giáo Trương Thị Hương đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn vùng cao.

Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho 200 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu năm học 2022 – 2023, trong đó có cô giáo Trương Thị Hương. Cô Hương cho biết, được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cô rất vui vì những nỗ lực của mình được ghi nhận. Nhưng niềm vui lớn hơn cả là nhiều thế hệ học sinh vùng cao đã trưởng thành, không chỉ công tác tốt, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương mà còn tri ân thầy cô bằng cách rất đưa con em ra lớp đúng độ tuổi, đúng ngày, đúng giờ, phối hợp rất tốt với nhà trường trong nuôi dạy, chăm sóc trẻ…

Theo TTXVN