Cơ hội cho hòa bình tại Colombia

10/01/2024 - 09:50

Những tia hy vọng về khôi phục an ninh và ổn định tại Colombia được thắp lên, sau khi cuộc đàm phán giữa Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang Estado Mayor Central (EMC) đạt được một số tiến bộ quan trọng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Nhóm vũ trang Estado Mayor Central/TTXVN)

Trong tuyên bố mới đây, ông Camilo Gonzalez, người đứng đầu nhóm đàm phán của Chính phủ Colombia với EMC, nhóm bất đồng chính kiến thuộc Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) cho biết hai bên đã nhất trí ngừng bắn để tạo điều kiện cho tiến trình hòa đàm và dự kiến thỏa thuận ngừng bắn sẽ được gia hạn trong tháng 1/2024. Theo kế hoạch, vòng đàm phán tiếp theo giữa Chính phủ Colombia và EMC sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 20/1 tại thủ đô Bogota. EMC có khoảng 3.500 thành viên, hoạt động tại 23 trong tổng số 32 tỉnh của Colombia. Nhóm này bao gồm những thành viên bất đồng chính kiến đã ly khai khỏi FARC, tổ chức hiện đã giải giáp vũ khí và trở thành một đảng chính trị.

Mong mỏi về một nền hòa bình toàn diện tại Colombia đã được Tổng thống nước này Gustavo Petro khẳng định nhiều lần kể từ khi ông nhậm chức tổng thống vào tháng 8/2022. Chính phủ Colombia vẫn đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán riêng rẽ với các nhóm vũ trang, góp phần mở rộng cánh cửa hòa bình cho quốc gia Nam Mỹ lâu nay chìm trong xung đột và bạo lực băng đảng. Chính phủ Colombia cũng đang đàm phán với nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) và nhóm này đã tuân thủ đầy đủ các lệnh ngừng bắn. ELN là một trong các nhóm vũ trang lâu đời nhất tại Colombia, có ảnh hưởng nhất định tại các vùng nông thôn rừng núi của Colombia.

Mới đây, Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang ELN đã bắt đầu tiến hành vòng đàm phán hòa bình thứ 5 tại Mexico. Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Mexico bày tỏ tin tưởng rằng, với thiện chí của các bên tham gia đàm phán và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, vòng đàm phán mới sẽ mở đường đi đến giải pháp mang tính quyết định và lâu dài cho cuộc xung đột dai dẳng ở Colombia. Trong các vòng đàm phán trước đó, đại diện Chính phủ Colombia và ELN khẳng định hai bên đã nhất trí thúc đẩy hoạt động nhân đạo tại các khu vực chịu tác động của xung đột vũ trang nhằm bảo đảm thực hiện lệnh ngừng bắn song phương, đồng thời tăng cường các cơ chế hỗ trợ tù nhân chính trị là thành viên của ELN.

Những kết quả tích cực này cũng là điểm nhấn quan trọng trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Gustavo Petro. Vào thời điểm nhậm chức tổng thống hồi năm 2022, nhà lãnh đạo theo đường lối cánh tả đã phải đối mặt hàng loạt áp lực nặng nề về giảm đói nghèo và bất bình đẳng tại một quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bạo lực cũng như chia rẽ xã hội như Colombia.

Dù đạt được một số tiến triển trong đàm phán hòa bình, giới quan sát vẫn nhận định, con đường dẫn đến ổn định thật sự ở Colombia còn dài và nhiều trở ngại. Bạo lực tiếp tục gia tăng khi các nhóm vũ trang tranh giành kiểm soát địa bàn hoạt động. Số vụ bắt cóc, tấn công các nhà hoạt động nhân quyền và lực lượng cảnh sát thời gian qua gia tăng. Theo Văn phòng Ðiều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), tỷ lệ các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên nhân đạo tại Colombia từ tháng 1 đến tháng 4/2023 đã tăng 133% so với cùng kỳ năm trước đó.

Cộng đồng quốc tế bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ các động thái thiện chí của các bên và cam kết tiếp tục đồng hành cùng quốc gia Nam Mỹ này.

Ðóng vai trò làm "chất xúc tác" đẩy nhanh tiến trình hòa bình tại Colombia, cộng đồng quốc tế bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ các động thái thiện chí của các bên và cam kết tiếp tục đồng hành cùng quốc gia Nam Mỹ này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2694 về mở rộng nhiệm vụ của Phái bộ Giám sát Liên hợp quốc tại Colombia. Theo nghị quyết, ngoài nhiệm vụ hiện nay, Phái bộ Giám sát của Liên hợp quốc sẽ giám sát và xác minh việc thực hiện lệnh ngừng bắn trong thỏa thuận giữa Chính phủ Colombia với nhóm vũ trang ELN.

Nghị quyết cũng cho phép bổ sung thêm 68 quan sát viên quốc tế và các thành phần dân sự phù hợp vào lực lượng đương nhiệm của phái bộ. Thụy Sĩ gần đây cũng thông báo tham gia vào sứ mệnh chính thức theo đề nghị của Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang EMC với tư cách là nước bảo đảm cho tiến trình hòa bình. Trong khi đó, Ðại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, EU hoan nghênh kế hoạch hòa bình của Tổng thống Colombia và sẽ đồng hành cùng Chính phủ Colombia trong quá trình đàm phán với sự ủng hộ cả về chính trị lẫn kinh tế.

Những tín hiệu tích cực trong các cuộc đàm phán của các bên tại Colombia là tiền đề quan trọng để tiến tới chấm dứt hành động thù địch, gây dựng lòng tin. Tuy vậy, chặng đường tìm kiếm hòa bình lâu dài còn cần rất nhiều thiện chí đối thoại và sự nhượng bộ lẫn nhau để đạt được kết quả tốt đẹp, mang đến cuộc sống ổn định cho người dân.

Theo TƯỜNG VY (Nhân dân)