Một năm, nhảy hơn 700 bậc
Cú nhảy lịch sử của Hoàng Nam đến sau chức vô địch giải quần vợt nhà nghề M25 diễn ra tại Tây Ninh hồi tuần trước. Với 25 điểm thưởng, tay vợt sinh năm 1997 này đã có 220 điểm và leo lên hạng 239 thế giới.
Lý Hoàng Nam vừa lập cột mốc đáng nhớ trên bảng xếp hạng ATP. Ảnh: ATP
Đúng ngày này cách đây một năm, Lý Hoàng Nam còn xếp hạng... 965 thế giới, kém xa so với cột mốc 385 mà chính anh thiết lập hồi tháng 11/2018. Sự tuột dốc không phanh ấy xuất phát từ việc anh thi đấu quốc tế quá ít vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đó là giai đoạn mà Hoàng Nam bị chấn thương đeo bám, còn quần vợt gần như bị "đóng băng" vì không thể xuất ngoại thi đấu, chưa kể nhiều giải đấu bị hủy, khiến kế hoạch của Nam liên tục bị phá sản. Cụ thể: Từ trận gặp Lamine Qahag ở Davis Cup hồi tháng 3/2020, Hoàng Nam đã nghỉ thi đấu đến 19 tháng liên tiếp. Ngày trở lại, anh thua đối thủ hạng 1.231 thế giới Volodoymyr Uzhylovskyi ngay vòng 1 giải M15 Sharm El Sheikh tại Ai Cập, và đứng trước bờ vực ra khỏi Top 1000.
Nhưng khi dịch COVID-19 đã bớt nghiêm trọng, Hoàng Nam đã nhanh chóng vác vợt đi thi đấu nhằm tích lũy điểm số và lấy lại thứ hạng của mình, tất nhiên là những giải đấu nhỏ, vừa sức. Cuối tháng 10/2021, Nam vô địch giải M15 ở Ai Cập. Ba tuần sau, anh vô địch tiếp hai giải M15 tại Cancun, Mexico. Nhờ 30 điểm gặt hái từ hai giải đấu này, Hoàng Nam đã khởi đầu năm 2022 với vị trí 583 thế giới - không quá cao, nhưng đủ để gieo niềm tin về sự hồi sinh.
Sau khi được làm nóng, Hoàng Nam đã hồi sinh ngoạn mục. Anh dễ dàng bảo vệ thành công tấm huy chương vàng đơn nam SEA Games 31. Sau đó là 4 chức vô địch đơn nam M15 liên tiếp (3 ở Tây Ninh, 1 tại Malaysia). Trở về sau danh hiệu á quân đơn nam giải M25 tại Bangkok, Hoàng Nam trở lại Tây Ninh, giành 1 danh hiệu á quân M25, trước khi lần đầu tiên vô địch M25 tại đây.
Australian Open 2023, tại sao không?
Tham dự Grand Slam luôn là giấc mơ danh giá đối với các tay vợt đến từ nền quần vợt thuộc “vùng trũng” như Đông Nam Á. Nhưng để góp mặt ở hệ thống giải danh giá nhất hàng banh nỉ này là không hề đơn giản bởi các tay vợt sẽ phải đáp ứng những yêu cầu tương đối khắt khe.
Theo quy định ở Grand Slam, 104 tay vợt có thứ hạng cao nhất thế giới cùng 8 tay vợt nhận suất đặc cách sẽ vào thẳng vòng thi đấu chính thức. Top 100 vẫn là mục tiêu quá tầm với Lý Hoàng Nam, nhưng một vị trí dự vòng loại thì hoàn toàn có thể. Theo thể thức hiện tại, 128 tay vợt có thứ hạng thấp hơn sẽ tham dự vòng đấu loại để chọn ra 16 tay vợt vào vòng thi đấu chính cùng với 112 tay vợt trên. Như vậy, nếu trụ lại được trong Top 250 từ bây giờ đến hết năm 2022, Lý Hoàng Nam có thể sẽ được góp mặt ở vòng loại Australian Open 2023.
Với những thành tích đã đạt được cuối mùa giải trước, Hoàng Nam sẽ phải bảo vệ khoảng 38 điểm, trong đó có ba giải mà anh là đương kim vô địch ở Ai Cập và Mexico. Bên cạnh đó, Hoàng Nam sẽ phải tích lũy thêm điểm số từ việc tham gia các giải đấu khác. Ngoài ra, để trau dồi về kỹ, chiến thuật, Hoàng Nam sẽ phải hạn chế dự các giải ITF cấp thấp như M15 và M25, mà cần phải góp mặt ở các giải ATP Challenger 50 hoặc 80. Nó vừa giúp anh tích lũy điểm số, vừa được cọ xát với nhiều đối thủ mạnh hơn. Theo dự kiến, trong tháng này, Hoàng Nam sẽ dự một giải M25 ở Indonesia, trước khi ba giải ATP Challenger 80 tại Nhật Bản.
Chức vô địch đôi nam Wimbledon trẻ 2015 là một mốc son trong sự nghiệp của Lý Hoàng Nam, nhưng dù sao, đó cũng chỉ là cấp độ trẻ. Điều mà bất cứ tay vợt chuyên nghiệp nào mong mỏi là được thử sức ở vòng đấu chính thức Grand Slam danh giá. Hoàng Nam đang hướng tới mục tiêu đầy thách thức, và nếu thành công, anh sẽ trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên (không tính những tay vợt Việt kiều) làm được điều này trong kỷ nguyên Mở.
Việt Nam chưa hề có tay vợt nào dự Grand Slam trong kỷ nguyên Mở (từ năm 1969 tới nay), nhưng trước đó thì chúng ta đã từng có 3 tay vợt làm được điều này.
Tay vợt nổi tiếng nhất trong lịch sử quần vợt Việt Nam từng dự Grand Slam là huyền thoại quá cố Võ Văn Bảy. Ông từng góp mặt ở Roland Garros 1954 và thua Armando Viera 0 - 6, 1 - 6, 4 - 6. Sinh thời, ông Bảy thống trị quần vợt Việt trong 3 thập kỷ, vô địch đơn nam SEAP Games 1959, và từng quật ngã tay vợt số một châu Á Sakai.
Trước Võ Văn Bảy, Việt Nam còn có hai tay vợt từng dự Grand Slam là Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao ở Roland Garros và Wimbledon 1931. Dù không thể tiến xa, nhưng cả hai đều đã gây ấn tượng mạnh, nhất là Nguyễn Văn Chim, người đã thua huyền thoại từng giành 13 Grand Slam (4 đơn, 9 đôi) Jean Borrotra với tỷ số 4 - 6, 3 - 6, 3 - 6 ở Roland Garros 1931.
Theo Báo Tin Tức