Cố vấn của ông Biden đề xuất phong tỏa nước Mỹ 4-6 tuần để chống COVID

12/11/2020 - 19:01

Cố vấn của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tiến sĩ Michael Osterholm vừa đề xuất phong tỏa toàn quốc trong 4-6 tuần nhằm giúp kiểm soát đại dịch COVID-19 tại Mỹ.

Tiến sĩ Michael Osterholm trong buổi họp báo hồi tháng 4 với Thống đốc bang Minnesota Tim Walz. Osterholm về dịch COVID-19. Ảnh: AP

Theo trang CNBC, cố vấn về dịch COVID-19 của ông Joe Biden, Tiến sĩ Osterholm cho rằng, việc đóng cửa các doanh nghiệp và trả lương cho những người lao động bị ảnh hưởng trong vòng 4-6 tuần có thể giúp kiểm soát đại dịch COVID-19, và đưa nền kinh tế đi đúng hướng cho đến khi một loại vaccine được phê duyệt và phân phối.

Ông Osterholm từng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Minnesota. Trước khi đưa ra đề xuất nói trên, ngày 11-11, ông nhận xét rằng nước Mỹ đang hướng tới một “địa ngục COVID”. Các ca lây nhiễm tăng vọt trong bối cảnh người dân ngày càng chán nản với việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội, chịu đựng cái gọi là “mệt mỏi do đại dịch”. Ngoài ra, thời tiết giá lạnh của mùa Đông sắp đến đang đẩy mọi người vào các không gian kín, nơi virus càng dễ dàng lây lan hơn.

Phát biểu với kênh Yahoo Finance ngày 11-11 (theo giờ địa phương), ông Osterholm cho rằng một lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ đưa con số ca nhiễm mới và ca nhập viện xuống mức có thể kiểm soát được, trong thời gian chờ đợi một loại vaccine hiệu quả được cấp phép.
 
“Chúng ta có thể chi trả một gói ngay bây giờ để trang trải tất cả tiền lương mà người lao động bị thiệt hại, các tổn thất với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay với các chính quyền thành phố, hạt, chính quyền bang. Chúng ta có thể làm tất cả những điều đó. Nếu làm được vậy, chúng ta có thể phong tỏa trong 4-6 tuần”.

Hôm 8/11 vừa qua, Tiến sĩ Osterholm đã được ông Joe Biden bổ nhiệm vào ban cố vấn về dịch COVID-19 gồm 12 thành viên. Ban này được dẫn đầu bởi cựu Tổng Y sĩ Vivek Murthy, cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm (FDA) David Kessler và Tiến sĩ Marcella Nunez-Smith thuộc Đại học Yale. Các thành viên trong ban còn có Tiến sĩ Atul Gawande, Giáo sư phẫu thuật và chính sách y tế tại Đại học Harvard, và Tiến sĩ Rick Bright, chuyên gia về vaccine vừa từ chức khỏi vị trí cố vấn trong chính quyền Tổng thống Trump hồi tháng 10.

Tuy vậy khi được kênh CNBC phỏng vấn, một đại diện của ông Joe Biden đã từ chối bình luận về đề xuất nói trên.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Coral Gables, gần Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong phát biểu ngày 10/11, Tiến sĩ Osterholm đã dẫn lại một bài phản hồi mà ông viết hồi tháng 8, đồng tác giả với Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại Minneapolis, Neel Kashkari, khi hai ông lập luận về lệnh phong tỏa đồng bộ và các hạn chế bổ sung được áp dụng trên toàn quốc.

“Vấn đề với lệnh phong tỏa hồi tháng 3- tháng 5 là nó được tiến hành không đồng bộ trên toàn quốc. Chẳng hạn, Minnesota vẫn coi 78% lực lượng lao động của mình là thiết yếu (không nằm trong đối tượng bị phong tỏa). Để hiệu quả, lệnh phong tỏa cần phải toàn diện và nghiêm ngặt nhất có thể”, bài báo đăng trên tờ New York Times viết.

Hôm 10-11, Tiến sĩ Osterholm cho rằng một lệnh phong tỏa như vậy sẽ giúp đất nước kiểm soát được virus SARS-CoV-2, “giống như họ đã làm được ở New Zealand và Australia”. Các nhà dịch tễ học khác cũng đã nhiều lần lấy dẫn chứng New Zealand, Australia và một số nước châu Á khác – những nơi đã đưa số ca nhiễm mới trong ngày xuống dưới 10 - làm ví dụ về cách thức kiểm soát dịch.

“Chúng ta có thể thực sự kiểm soát chính mình khi chờ vaccine sẵn sàng trong quý 1 và 2 của năm tới, trong khi có thể đưa nền kinh tế hoạt động trở lại rất lâu trước thời điểm đó”, Osterholm phát biểu.

Nhận xét về hướng đi hiện tại, Tiến sĩ Osterholm cho rằng nước Mỹ đang hướng đến "những ngày đen tối" khi vaccine COVID-19 chưa sẵn sàng. Ông cho rằng các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên khắp đất nước đã rơi vào tình trạng quá tải. Chẳng hạn ở El Paso (bang Texas), giới chức địa phương đã buộc phải đóng cửa doanh nghiệp và chính quyền liên bang đang điều động các nguồn lực tới để xử lý làn sóng tử vong tăng cao do đại dịch.

Tiến sĩ Osterholm cũng cho rằng đất nước cần vai trò lãnh đạo và ông Joe Biden có thể đảm nhiệm vai trò đó. Ngoài ra, vai trò lãnh đạo trong phòng chống dịch cũng có thể đến từ các quan chức bang và địa phương, hay những người trong cộng đồng y khoa.

Đến 16h30 ngày 12-11 (theo giờ VN), nước Mỹ ghi nhận tổng cộng 10.708.728 ca COVID-19, trong đó có 247.398 ca tử vong.

Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)