Cờ vua và giấc mơ thế kỷ ở Olympic

29/09/2018 - 18:43

Giải đồng đội thế giới (Olympiad) quy tụ hơn 170 quốc gia, nhưng tham dự Olympic vẫn là khao khát của cờ vua.

Tháng 9-2000, lần đầu tiên trong lịch sử cờ vua xuất hiện tại Olympic, dù chỉ là môn biểu diễn. Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) muốn coi đây là bước đệm để cờ vua trở thành môn chính thức ở những Olympic tiếp theo. Hai cao thủ Viswanathan Anand và Alexey Shirov được mời đến Sydney chơi hai ván biểu diễn, kết thúc với tỷ số 1-1. Anand - nhà vô địch thế giới giai đoạn 2007-2013 - hồ hởi nói sau trận đấu rằng anh coi đây là bước tiến lớn với cờ vua. Nhưng cho đến nay, thể thao trí tuệ vẫn chưa xuất hiện ở Olympic.

Trận đấu biểu diễn giữa Anand (ảnh) và Shirov tại Sydney 2000 không thu hút được sự chú ý của người xem. Báo chí dường như không ngó ngàng, trong khi biên bản trận đấu cũng không xuất hiện trên các trang dữ liệu cờ vua. Ảnh: SK.

Nỗ lực đưa cờ vua vào Olympics đã manh nha từ năm 1924. Nhưng khi đó Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đánh trượt cờ vua vì họ chỉ cho VĐV nghiệp dư tham dự. Thời điểm đó, cờ vua lại chưa phân ranh giới kiện tướng - không chuyên. Cũng ở Paris 1924, khẩu hiệu "Citius, Altius, Fortius" (Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn) chính thức được đưa vào Olympic. Thể thao trí tuệ không còn khả năng chen chân vào đại hội thể thao lớn nhất toàn cầu.

Lý do khác được IOC lý giải là việc họ không có phương pháp xác định doping trong cờ vua cũng như thể thao trí tuệ. Dù thi đấu thể thao trí tuệ, các VĐV vẫn có thể gian lận bằng những loại thuốc kích thích sự tập trung như adderall.

Không chán nản với thất bại, làng cờ quốc tế thành lập giải đồng đội thế giới đầu tiên trong cùng năm, lấy tên "Chess Olympic Games". Giải cũng được tổ chức ở Paris, với kỳ thủ từ 15 quốc gia tranh tài. Sau khi giải kết thúc, FIDE được thành lập. Chỉ mất ba năm, họ đã tạo ra Olympic dành riêng cho cờ vua tại London. Nhưng để tránh xung đột với Olympic của thể thao, họ gọi lái sang thành Chess Olympiad.

Khẩu hiệu của Olympic hướng tới các môn thể thao mang tính vận động. Điều đó khiến cờ vua vắng bóng ở đại hội.

Từ 16 quốc gia ban đầu, Olympiad lần thứ 43 diễn ra tại Georgia 2018 có sự hiện diện của 189 đội, trong đó có hơn 170 quốc gia. Con số này lớn hơn cả Olympic mùa đông. Năm 2012, công ty dữ liệu YouGov tiết lộ có 605 triệu người lớn chơi cờ vua thường xuyên - xấp xỉ lượng người dùng Facebook. Độ phổ biến của cờ vua khiến IOC một lần nữa phải cân nhắc đưa thể thao trí tuệ vào Olympics.

Cờ vua nằm trong nhóm môn thể thao được đề cử đưa vào Olympic Tokyo 2020. Nhưng do chưa phát triển ở Nhật Bản, cờ vua thất bại trước bóng chày, leo núi thể thao, karate, lướt ván, bóng mềm và trượt ván. Dù vậy, cờ vua vẫn còn cơ hội khi Olympic được tổ chức ở Paris 2024 hay Los Angeles 2028. Bởi Pháp và Mỹ đều là cường quốc cờ vua.

Cho đến hiện tại, nhiều người vẫn chưa công nhận cờ vua là thể thao. Khi câu hỏi cờ vua có phải thể thao được đưa ra tại debate.org, 42% số người chọn không. Dù vậy, cờ vua đã được IOC công nhận là thể thao từ năm 1999, cùng năm FIDE trở thành thành viên IOC. Người phát ngôn của IOC Emmanuelle Moreau từng cho rằng thể thao trí tuệ không nên xuất hiện ở Olympic. Khẩu hiệu "Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn" dường như không phù hợp với cờ vua. Nhưng người chơi cờ đều hiểu ngoài sức mạnh trí tuệ, họ cũng cần thể lực dẻo dai. Như tại Olympiad, các kỳ thủ mạnh thường được cho nghỉ dưỡng sức khi gặp đối thủ thua xa về trình độ.

"Môn bi đá trên băng (curling) chẳng khác nào cờ vua trên băng. Nhưng nó xuất hiện ở Olympic mùa đông, còn cờ vua lại không được phép", cựu chủ tịch FIDE Kirsan Ilyumzhinov từng nói.

Maxime Vachier-Lagrave là kỳ thủ hàng đầu thế giới người Pháp. Đất nước tổ chức Olympic 2024 có thể xem xét đưa cờ vua vào đại hội. Nhưng thể thao trí tuệ trước mắt cần cải thiện sức hút với người xem không chuyên. Ảnh: GTT.

Rào cản lớn nhất của cờ vua và Olympic vẫn là khả năng thu hút khán giả để sinh lời. Người xem bóng đá, bóng rổ hay điền kinh dù không biết chuyên môn, vẫn nhận ra bên nào đang chiếm ưu thế để cổ vũ, thông qua bảng điểm. Trong khi đó, cờ vua là môn đặc thù và mang tính chuyên môn. Điều đó khiến người xem mất đi hứng thú theo dõi.

Trong tập phim "Goodnight Mr. Bean", khán giả cũng thấy danh hài người Anh xem cờ vua cho dễ ngủ. Đạo diễn hoàn toàn có thể thay thế ván cờ trong phim đó bằng trận biểu diễn Anand - Shirov ngày nào. Bởi trong cờ vua, ván đấu thường kéo dài cả tiếng đồng hồ. Đôi khi kỳ thủ dành tới hàng chục phút suy nghĩ cho một nước đi. Tỷ lệ những ván hòa trong cờ vua đỉnh cao cũng cao hơn hẳn so với thắng thua. Đó là điều không ai mong muốn.

Cờ vua đã cố gắng thay đổi để có sức hút hơn trong mắt khán giả. Các giải cờ nhanh, cờ chớp ngày càng xuất hiện nhiều hơn để người xem không buồn ngủ. Nhiều giải cho ra điều luật khuyến khích đấu thủ chơi tấn công đẹp mắt hơn. Cách tính ba điểm cho trận thắng như trong bóng đá cũng từng được đề xuất cho người làm cờ. Nhưng người hâm mộ vẫn phải chờ sự xuất hiện của chủ tịch FIDE mới, sau Olympiad 2018, để hy vọng vào hướng đi mới cho cờ vua.

Sau 100 năm, Olympic sẽ trở lại ở Paris năm 2024. Sau 100 năm, FIDE sẽ mang sứ mệnh biến giấc mơ Olympic thành hiện thực với cờ vua.

Theo XUÂN BÌNH (Vnexpress)

 

Liên kết hữu ích