Coi trọng văn hóa trong phát triển kinh tế

22/06/2021 - 07:51

Văn hóa có vai trò quan trọng với tư cách là nhân tố trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế. Tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia gồm nhiều yếu tố, mà yếu tố quyết định là văn hóa, được thể hiện qua năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người ở quốc gia đó. Văn hóa khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của con người, quyết định sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Vậy nên, trong xã hội hiện đại, các yếu tố nền tảng của văn hóa, nếu được khai thác, phát huy sẽ trở thành một động lực to lớn đối với sự phát triển kinh tế.

Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. (Trong ảnh: Lễ hội đền Sóc).

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là việc: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội”.

Đó cũng chính là một phần quan trọng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội - quá trình “kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất”. Phát triển kinh tế gắn với văn hóa phải vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập thế giới và toàn cầu hóa là cơ hội để văn hóa Việt Nam phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhưng mặt khác, chúng ta đang chịu tác động của một số yếu tố tiêu cực từ toàn cầu hóa có khả năng cổ súy cho lối sống tiêu thụ thực dụng, làm tha hóa nhân cách, rối loạn một số giá trị xã hội, làm cho một số hoạt động văn hóa và quan hệ xã hội có nguy cơ bị thương mại hóa.

Đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những hậu quả của việc phát triển kinh tế mà bỏ qua hoặc xem nhẹ yếu tố văn hóa. Quy hoạch và phát triển tràn lan các nhà máy thủy điện nhỏ ở nhiều nơi, chỉ vì mục tiêu tăng sản lượng điện, nhưng không tính tới và chưa có giải pháp bảo đảm đầy đủ lợi ích của người dân trong vùng liên quan, không quan tâm môi trường sinh thái, bảo vệ rừng…, đã gây ra những hệ quả nghiêm trọng.

Do ứng xử thiếu khoa học dẫn tới ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,... ở nhiều vùng của nước ta đang ở mức báo động. Đây chính là hậu quả của sự thiếu hụt kiến thức về văn hóa môi trường, văn hóa sinh thái. Văn hóa chưa thấm vào tư duy của những người làm chính sách, xây dựng kế hoạch, lập quy hoạch và chưa được các cơ quan tham mưu quan tâm đúng mức. 

Để đạt được yêu cầu tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế hài hòa với sự phát triển của văn hóa, trực tiếp nhất là văn hóa sinh thái, đạo đức, xã hội, cần có quyết sách chiến lược, những cơ chế cụ thể để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước. Phải làm sao để văn hóa phải trở thành bản chất nội tại, là yếu tố tự thân của nền kinh tế.

Đối với doanh nghiệp, yếu tố văn hóa thể hiện ở chất lượng sản phẩm, sự ứng xử chuyên nghiệp với khách hàng, đối tác và doanh nghiệp khác, quan tâm đầy đủ đời sống của người lao động, có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường, với đất nước. Đối với doanh nhân, đó là sự tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, trình độ về mọi mặt để đủ tài, đủ đức dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững, vươn ra thị trường thế giới...

Theo TRỊNH THANH VŨ (Nhân Dân)