Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Nam… đều nằm trong danh sách này.
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tính đến cuối tháng 3/2024, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng trên tổng số gần 657.349 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024 vẫn chưa được phân bổ chi tiết; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 9.500 tỷ đồng của 21/44 bộ, cơ quan và 24/63 địa phương, vốn cân đối ngân sách địa phương là 22.500 tỷ đồng của 25/63 địa phương.
Nguyên nhân khiến các bộ ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ nguồn ngân sách trung ương năm 2024 chủ yếu là của các dự án khởi công mới, chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hằng năm.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, như các dự án chuyển tiếp cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công; vốn giao cho các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với đó, vốn giao cho các dự án đang được tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Hoặc là của các dự án đang rà soát, điều chỉnh nội dung đầu tư theo quy định; các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội không còn nhu cầu bố trí kế hoạch vốn năm 2024, do đã được bố trí vốn từ nguồn kế hoạch năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội…
Bên cạnh đó, vốn nước ngoài không phân bổ hết là do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định; đang trình cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn hiệp định dự án; hoặc là vướng mắc trong trong công tác thẩm định giá thiết bị, cơ chế đấu thầu dự án...
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bộ này đang phối hợp với Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 với các đơn vị chưa phân bổ chi tiết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, khó khăn một phần là do khi tại nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.
Việc cấp phép các mỏ cát mới còn chậm, gặp nhiều vướng mắc. Điều này, cùng với các khó khăn mang tính cố hữu khác, như giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục đầu tư chưa kịp thời, năng lực nhà thầu còn hạn chế…, sẽ ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của năm nay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các bộ ngành, địa phương phải đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Phải kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Quý I năm nay, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục xu hướng tích cực, ước đạt 89.874,751 tỷ đồng, bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối (năm ngoái là 10,35%) và tuyệt đối (cao hơn 16.500 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ giải ngân, trong khi có 4 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao (trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thì vẫn còn tới 38 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước. Thậm chí, có 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, dù 1/4 chặng đường của năm 2024 đã qua đi.
Theo TTXVN