“Hành trang” gọn nhẹ của ông Long mỗi ngày
Ông Long được con trai hỗ trợ khi cần
Anh Đức đưa bánh cho ông Long ăn đỡ dạ
Hôm gặp chúng tôi, thời gian đang ở giữa trưa, nhưng ông Long vẫn miệt mài với công việc vá đường quen thuộc, đồng thời thúc giục con trai út nhanh chân vận chuyển những bao đá nhựa phế phẩm vừa gom nhặt được tại một công trình để mang về nhà, chuẩn bị cho việc vá đường vào ngày hôm sau.
Vẫn khoác trên người chiếc áo bạc màu và cái nón kết đã nhiều năm che mưa, che nắng, loay hoay nhặt nhanh những mảnh đá còn sót lại xung quanh "công trình mới", trò chuyện cùng tôi, ông Long cho hay mới vừa khỏe lại sau hơn 1 tuần dưỡng bệnh ở nhà do đợt nắng gay gắt. Hôm nay, trước khi đi vá đường ông còn phải uống thuốc để đảm bảo sức khỏe khi làm việc.
Các phế phẩm đá nhựa được ông Long mang về phân chia ra làm 3 loại để chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau
Nhìn sang con trai út Cao Văn Nhi (sinh năm 1982) đang phụ giúp, ông Long chia sẻ: “Trước đây, nó cũng đi làm việc như người ta, nhưng sau đó bị trầm cảm, suy giảm trí nhớ, nên không đi làm nữa. Hiện nay, sức khỏe của nó vẫn ổn, nhưng khi nhớ, khi quên, nên thường đi tái khám lấy thuốc uống. Vì bị bệnh, nó ở nhà phụ giúp gia đình và tiếp tôi chở mấy bao đá vá đường”.
Mỗi ngày, vào buổi sáng, ông Long đi tìm phế phẩm nhựa đường ở các công trình. Nhựa bị khô cứng, kết dính, ông dùng dao, búa đập ra, phủi sạch đất bám, cho vào bao nilon hay túi xách nhỏ, rồi cùng con chia nhau chở về nhà, rồi đập nhỏ, loại bỏ sạch “tạp chất”, phân làm 3 loại to, vừa và nhuyễn. Sau đó, tiếp tục cho vào bao nilon, cùng bình dầu hỏa, ca nhựa và viên đá granite, để mang đi vá đường vào hôm sau.
Ông Long cho biết: “Dầu hỏa và độ nóng của ánh mặt trời sẽ làm tan chảy nhựa, sau đó kết dính với nhau. Ở khu vực đường lớn, khi vá xong có nhiều xe qua lại giúp lớp đá nhựa được nén chắc chắn hơn. Còn ở các con đường nhỏ, thì phải dùng viên đá dằn, nén bằng sức của mình. Sau vài giờ vá, mặt đường sẽ được bằng phẳng hơn, không còn sợ xe của bà con bị vấp ổ gà nữa”.
Các vật dụng của ông Long mang theo để vá đường
Nhiều năm qua, người dân ở nhiều nơi ở TP. Long Xuyên đã quen với hình ảnh một ông già “chuyên làm chuyện không công” ở những con đường đông xe hoặc vắng người. Thấy ông Long vá đường, nhiều người đã mang nước uống, thức ăn đến mời, có khi phụ việc cùng ông…
Ông Văn Công Đức (sinh năm 1966, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) đẩy xe bán đồ ăn dạo chia sẻ: “Tôi biết chú Long từ lâu lắm. Hồi trước đoạn đường nhà tôi chưa được nâng cấp, chú có đến vá những chỗ bị hư. Việc làm của chú, bà con nhớ hoài. Tôi đi bán lòng vòng, khi gặp chú, thì tặng chú cái bánh hay hủ súp cua để ăn lấy sức, có khi gửi vài chục ngàn đồng, để tiếp chú mua dầu hỏa vá đường”.
Ghi nhận việc làm của ông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã gửi thư trân trọng cảm ơn chú về việc làm nhân văn và đầy ý nghĩa này. Ngoài ra, chính quyền địa phương đã tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen biểu dương việc làm của ông.
Ngồi trên đường nhiều xe cộ qua lại, chiếc nón kết che khuất gương mặt, ít ai biết chiếc nón kết cũ ấy không chỉ giúp che nắng, mà còn che đôi mắt mờ yếu đã qua một lần phẫu thuật đục thủy tinh thể, rất nhạy cảm với ánh nắng.
Ông Long chia sẻ: “Mơ ước lớn nhất bây giờ của tôi là muốn bán đi ngôi nhà đang ở, để có vốn về quê, tìm đất trồng trọt hoặc chăn nuôi, tạo việc làm cho thằng út ổn định cuộc sống sau này. Vì nó chưa có vợ, tôi sợ khi không còn sức khỏe, nó sẽ rất khó khăn, nhưng bà xã không đồng ý, nên tôi đành thôi…”.
Gia đình ông Long thuộc diện khó khăn, người con trai út bị bệnh, đang được điều trị, cuộc sống dựa vào người con gái bán rau ở chợ. Do đó, UBND phường Mỹ Xuyên đã hỗ trợ, tạo điều kiện về vật chất, tinh thần, vận động hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho gia đình chú.
NGUYỄN HƯNG