Công nhân lắp đặt trạm gốc tại bang Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters
Samsung và Huawei mang lại cho Hàn Quốc và Trung Quốc lợi thế dẫn đầu. Nhật Bản tìm cách bắt kịp xu hướng thông qua đầu tư cho hạ tầng. Còn Mỹ cũng nỗ lực bám đuổi cuộc đua nhờ công nghệ chip, khao khát giành lại vị thế số 1 về đổi mới, sáng tạo.
Dự kiến các bước đi để xác lập tiêu chuẩn hóa thông số kỹ thuật cho mạng 6G sẽ diễn ra từ năm 2023. Nhờ đó, nhiều khả năng việc phát triển thiết bị và linh kiện trước khi thương mại hóa 6G sẽ được triển khai vào năm 2027.
Hàn Quốc và Trung Quốc - công xưởng của các nhà sản xuất điện thoại di động, trạm gốc (base station), linh kiện điện tử toàn cầu - đang tận dụng chất xám của các công ty trong nước và nhắm đến mục tiêu đi đầu trong thiết lập tiêu chuẩn công nghệ 6G thông qua các nỗ lực hợp tác công – tư.
Hàn Quốc mong muốn là nước đầu tiên triển khai dịch vụ mạng 6G thương mại, với việc Samsung và LG Electronics đã thiết lập các trung tâm nghiên cứu, trong khi chính quyền Seoul đang xem xét thông qua dự án phát triển trị giá 800 triệu USD. Trong khi đó, Bắc Kinh cho công bố chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) vào tháng 11/2019 và Huawei cũng lập ra nhóm nghiên cứu 6G.
Trạm gốc dự kiến trải qua cuộc chuyển đổi về cả chất lượng lẫn số lượng khi mạng 6G có khả năng hỗ trợ tốc độ 1 terabit/giây, gấp 10 lần mạng 5G. Tuy nhiên, xét về cự ly, khoảng cách truyền dẫn của trạm gốc 6G chỉ đạt 200m trở xuống. Theo Tetsuya Kawanishi, Giáo sư Đại học Waseda (Nhật Bản), điều đó đồng nghĩa số trạm gốc sẽ phải gấp 10 lần số dân tính trên một khu vực địa lý.
Ông cho biết, Nhật Bản hiện có khoảng 600.000 trạm gốc. Dự báo, để đưa 6G vào hoạt động, Nhật Bản sẽ cần xây dựng 1 tỷ trạm gốc. Để 6G bao phủ toàn cầu, cần 100 tỉ trạm gốc như vậy.
Trạm gốc hiện nay có kích thước tương tự một chiếc tủ lạnh nhưng mạng 6G dùng bước sóng ngắn hơn nên cần ăng-ten nhỏ hơn. Vì vậy, trạm có thể chỉ nhỏ bằng chiếc điện thoại di động. Với mạng 6G, ngay cả bóng đèn, bảng hiệu và xe ô tô cũng có thể thực hiện chức năng của một trạm gốc.
Trạm gốc cũng được dự đoán sẽ hoạt động như máy chủ và xử lý dữ liệu với tốc độ cao. Liên lạc tốc độ siêu nhanh sẽ có mặt ở cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, thúc đẩy việc thu thập dữ liệu lớn. Nhiều công ty đang tìm cách phát triển những trạm gốc thông minh như vậy để tạo ưu thế, vượt lên dẫn đầu.
Theo hãng tư vấn IHS Markit, Huawei, Ericsson, Nokia là ba công ty đang kiểm soát gần 80% thị trường trạm gốc. Châu Âu dự kiến phát triển tiêu chuẩn 6G thông qua với dự án Đối tác thế hệ 3 và nhiều dự án khác. Tổng thống Donald Trump cũng muốn Mỹ nằm ở tuyến đầu về công nghệ 6G. Mỹ đang tìm cách thiết lập vị trí dẫn đầu trong mảng chip và đã lôi kéo Intel cùng nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia cuộc đua này.
Các gã khổng lồ công nghệ đã phác thảo những dịch vụ mới sử dụng trạm gốc. Amazon hợp tác với nhà mạng Nhật Bản KDDI trên dịch vụ AWS để cung cấp điện toán biên, xử lý dữ liệu tại các địa điểm gần người dùng hơn.
Nhật Bản có kế hoạch trở lại với mạng 6G. Tháng 4/2020, Bộ Truyền thông nước này công bố mục tiêu đầy tham vọng với chiến lược “Vượt lên 5G”: Chiếm 30% thị phần trạm gốc và cơ sở hạ tầng khác, so với tỉ lệ 2% hiện tại. Tokyo cũng mong muốn các công ty Nhật Bản sẽ chiếm tổng số 10% bằng sáng chế liên quan trên toàn cầu. Samsung đang dẫn đầu cuộc đua 5G khi chiếm 8,9% bằng sáng chế, tiếp theo là Huawei 8,3% và Qualcomm 7,4%.
Theo HOÀI THANH (Báo Tin Tức)