Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Bangladesh

08/08/2024 - 08:06

Tổng thống Bangladesh Shahabuddin đã giải tán Quốc hội, chỉ định người đứng đầu chính phủ lâm thời sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi nước này. Bangladesh đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, bắt nguồn từ những căng thẳng do hàng loạt vấn đề kinh tế-xã hội. Cộng đồng quốc tế hối thúc các bên ở Bangladesh kiềm chế nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang, nhanh chóng đưa quốc gia Nam Á thoát khỏi tình trạng bất ổn hiện nay.

Quân đội Bangladesh đứng gác bên ngoài Đài truyền hình nhà nước Bangladesh khi bạo lực bùng phát từ các cuộc biểu tình của sinh viên, Dhaka, Bangladesh, ngày 19/7/2024. (Ảnh: Reuters)

Quân đội Bangladesh đứng gác bên ngoài Đài truyền hình nhà nước Bangladesh khi bạo lực bùng phát từ các cuộc biểu tình của sinh viên, Dhaka, Bangladesh, ngày 19/7/2024. (Ảnh: Reuters)

Bangladesh rơi vào bất ổn kể từ khi bùng phát các cuộc biểu tình vào tháng 7 vừa qua do các nhóm sinh viên dẫn đầu nhằm phản đối hạn ngạch việc làm của công chức. Biểu tình đã leo thang thành phong trào phản đối chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức sau 15 năm cầm quyền, rồi trở thành bạo loạn khiến hơn 400 người chết.

Hàng loạt vấn đề khó khăn

Cuộc khủng hoảng ở Bangladesh bắt nguồn từ các vấn đề kinh tế-xã hội, với sự trì trệ trong tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân. Kinh tế Bangladesh bị sa sút trầm trọng do đại dịch Covid-19. Ngành dệt may, vốn là động lực của nền kinh tế và chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 55 tỷ USD của nước này mỗi năm, đã bị tàn phá nặng nề. Các nhà máy may mặc đóng cửa, khiến ít nhất một phần tư lực lượng lao động bị mất việc làm.

Sau đại dịch, ngành công nghiệp xương sống này vẫn không thể vực dậy trong bối cảnh kinh tế suy thoái và lạm phát toàn cầu khiến đơn đặt hàng dệt may của Bangladesh đã giảm hơn 30%. Tình hình địa-chính trị thế giới ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nhiên liệu tăng cao, khiến nền kinh tế Bangladesh chịu tổn thương nghiêm trọng.

Hơn 65% lượng hàng may mặc trị giá hàng tỷ USD của quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) được cung cấp sang châu Âu và Mỹ thông qua tuyến thương mại hàng hải Biển Ðỏ-Suez bị đe dọa an ninh nghiêm trọng và thường xuyên gián đoạn bởi các cuộc tấn công. Bên cạnh đó, Chính phủ Bangladesh vẫn phải dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu giá cao để vận hành lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Trong thời kỳ đầu lên nắm quyền, bà Hasina đã góp phần hồi sinh nền kinh tế đất nước, đưa Bangladesh từ một quốc gia nghèo nàn trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Từ năm 2008, Bangladesh đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 6% một năm. Mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tình trạng đói nghèo giảm mạnh và hơn 95% trong tổng số 170 triệu dân có điện sinh hoạt.

Tuổi thọ của người dân Bangladesh tăng hơn 50%. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 90%. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh vượt Ấn Ðộ, đạt mức 2.457,92 USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP của Bangladesh sẽ sớm vượt Ðan Mạch hoặc Singapore.

Tuy nhiên, những khó khăn nảy sinh từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến “sức khỏe” nền kinh tế Bangladesh bị ảnh hưởng nặng nề. Nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu và phụ thuộc giá nhiên liệu, gặp khó khăn chồng chất trước những biến động của thị trường thế giới. Thời gian gần đây, Bangladesh phải đối mặt với lạm phát cao gần hai chữ số, tỷ giá hối đoái không ổn định cùng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt.

Từ đầu năm 2022, đồng taka của nước này mất hơn 40% giá trị so với USD. Lượng dự trữ ngoại tệ giảm hơn một nửa. Giá nhiên liệu gia tăng đẩy chi phí thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tăng cao. Năm 2023, Chính phủ của bà Hasina phải nhờ đến khoản vay 4,7 tỷ USD từ IMF để giảm bớt khó khăn.

Lạm phát tăng vọt khiến đời sống người dân trở nên bấp bênh, nhiều người rơi vào cảnh đói nghèo, dẫn tới các cuộc biểu tình liên tục diễn ra. Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều nhà máy đóng cửa cũng khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Ước tính gần 32 triệu thanh niên Bangladesh không có việc làm hoặc không được học hành.

Bất chấp những nỗ lực của bà Hasina sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử tháng 1/2024, tình hình chưa được cải thiện nhiều. Sau khi bà Hasina từ chức, quân đội đã nắm quyền và thành lập chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, các vấn đề đói nghèo, thất nghiệp và bất bình đẳng vẫn tồn tại, tạo ra khoảng trống bất ổn tại Bangladesh.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Sau khi Thủ tướng Hasina từ chức và rời Bangladesh, dinh thự của bà ở thủ đô Dhaka đã bị những phần tử bạo loạn cướp phá. Các vụ phóng hỏa và cướp bóc xảy ra trên khắp đất nước. Tư lệnh lục quân Bangladesh Waker-uz-Zaman kêu gọi người dân tuân thủ luật pháp và trật tự, đồng thời tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời.

Văn phòng quan hệ công chúng của quân đội Bangladesh cũng thông báo quyết định cải tổ lớn trong lực lượng này. Tổng thống Mohammed Shahabuddin, với người đứng đầu ba cơ quan cùng các thành viên điều phối của Phong trào sinh viên chống phân biệt đối xử đã tức tốc hoàn tất bộ khung của chính phủ lâm thời, theo đó nhất trí đề cử ông Muhammad Yunus, người từng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2006, sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ lâm thời tại Bangladesh.

Tổng thống Shahabuddin hối thúc tất cả các bên cùng nhau chung tay giải quyết khủng hoảng. Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các nước láng giềng của Bangladesh bày tỏ lo ngại nguy cơ bạo lực leo thang và kêu gọi các bên ở Bangladesh bình tĩnh, kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một quá trình chuyển tiếp hòa bình, trật tự và dân chủ.

Ðại sứ EU tại Bangladesh Charles Whiteley nêu rõ, những người đứng đầu phái đoàn EU rất lo ngại về nhiều vụ tấn công nhằm vào các nơi thờ tự, các thành viên tôn giáo, sắc tộc thiểu số tại quốc gia Nam Á này. EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, phản đối bạo lực nhằm cộng đồng và bảo vệ quyền con người của tất cả công dân Bangladesh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ tình hình và hy vọng Bangladesh sẽ sớm khôi phục ổn định xã hội.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo Washington đã ra lệnh di tản các nhân viên chính phủ không thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp và gia đình của họ rời khỏi Bangladesh. IMF khẳng định tổ chức này sẽ duy trì cam kết đối với BBangladesh, tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực nhằm bảo đảm ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng cho quốc gia Nam Á này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình rối ren và hỗn loạn hiện nay, việc khôi phục trật tự, ổn định chính trị và phục hồi kinh tế là vô cùng khó khăn với Bangladesh. Theo các chuyên gia, cách duy nhất để đưa nước này thoát khỏi khủng hoảng hiện nay là bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định và sớm chuyển đổi sang một chính phủ được bầu cử dân chủ, minh bạch và có trách nhiệm.

Theo Nhân Dân