Cuối năm cảnh giác đừng để mất của

22/01/2019 - 07:32

 - Thời điểm giáp Tết, các loại tội phạm trộm cắp lộng hành. Lợi dụng tình hình mọi người tập trung cho công việc sơ hở khi bảo quản đồ đạc, bọn trộm cắp gom từ vật dụng nhỏ nhặt đến có giá trị.

Nhà trọ nơi anh H. đang tạm trú sau nạn trộm quần áo đã được trang bị bóng đèn nhiều hơn

Anh T.H., ở trọ tại phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên) cho biết, đến nhà trọ mới ở gần 2 tháng nay, anh rất yên tâm vì xe để bên ngoài không bao giờ lo mất. Nhà trọ tách biệt với khu dân cư, tường cổng chắc chắn, có bảo vệ, đường ra vào có trang bị camera, đèn chiếu sáng và chó canh giữ. Nghịch lý là xe máy và tài sản giá trị không hề đáng lo, mà người ở trọ sợ bị mất quần áo. “An ninh khép kín như vậy nên khi bị mất đồ mọi người đều nghĩ “người quen” lấy. Suốt 1 tháng xảy ra nạn mất quần áo, khu trọ phải khóa hẳn 1 cổng, gắn thêm đèn chiếu sáng nhưng tình trạng không được cải thiện, mọi người chỉ còn cách “của ai nấy giữ”. Hầu như phòng nào cũng bị mất đồ, lơ là phơi qua đêm là sáng phát hiện mất hết những bộ đồ mới, loại đắt tiền. Tôi thì xui hơn, chúng gom sạch sào đồ bao gồm cả vật dụng phơi đồ và đồng phục đi làm”. Chị K.H., cùng chỗ trọ trần tình: “Đi làm từ sáng đến 8 giờ tối mới về, lo cơm nước vội vàng để được nghỉ ngơi. Trộm chỉ lựa lấy đi 1 hoặc 2 món đồ nên có khi bị mất vài ngày sau mới hay”.

Đang vào mùa làm đẹp của các chị em phụ nữ, chị T.Q. (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) chưa kịp vui đã bị mất đồ nghề. Chị Q. làm tóc nhiều năm nay, “tiệm” của chị là không gian sân trước nhà bày trí đủ đồ nghề, cửa khóa tạm bợ vì sống ở quê toàn người quen. Bỗng một ngày chị phát hiện bị trộm lấy đi bộ bàn ghế trị giá hơn 2 triệu đồng. Bức xúc nhưng gia đình cũng thừa nhận do chủ quan nên mới mất của. Ông M.N. (ở phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) kể lại, nhà có trồng 1 cây xanh sát cổng để tạo bóng mát, đâu ngờ đó là điều kiện để trộm leo chuyền từ cây vào nhà lấy 1 điện thoại và máy tính. Sau vụ mất trộm, ông N. thuê thợ làm lại cổng rào cao hơn và đốn bỏ cây xanh. Bên cạnh đồ đạc trong nhà, mai kiểng cũng là tài sản bị trộm nhiều nhất trong thời điểm này, dù trồng trong chậu hay dưới đất, khóa xích móc vẫn bị mất. Chăm sóc cả năm, chỉ đợi thời khắc khoe chậu mai vàng giữa gian nhà, chưa kịp đón Tết đã mất vui, gia chủ chỉ tự an ủi “của đi thay người”.

Ngoài cảnh giác trộm đến nhà ở, nhà trọ, người dân cần lưu ý đến những đối tượng lạ mặt đang lưu thông trên đường cố tình tiếp cận phụ nữ, những người đi riêng lẻ vào buổi tối. Đơn cử tại cầu Đôi hướng về Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đã xảy ra vụ giật dây chuyền khi chị T. đang trên đường về nhà. Trong các cuộc họp sinh hoạt định kỳ, cán bộ khóm, ấp, công an đều nhắc nhở người dân cảnh giác, chủ động bảo quản tài sản để đảm bảo an toàn cho bản thân. Trong nội ô thành phố, hiếm có đoạn đường vắng, nên các đối tượng lạ mặt thường chạy xe hòa vào dòng người quan sát, sau đó dùng chiêu hỏi đường để tiếp cận nạn nhân. Bà N. (phường Mỹ Hòa) kể, buổi tối đang chạy xe đi mua đồ thì có 2 thanh niên hỏi đường đến cây cầu (sống ở Long Xuyên nhưng tên cầu đó bà chưa từng biết). Thấy chúng chạy xe sát cạnh nên bà nhanh trí tấp vào ngôi nhà bên lề, giả vờ kêu tên như gọi người thân ra, ngay lập tức 2 đối tượng liền phóng xe bỏ đi. “Những trường hợp như vậy, chúng muốn tiếp cận gần mình xem có đeo nữ trang không, có túi xách hay đang cầm điện thoại không… Đây là những điều tôi được nghe thường xuyên khi sinh hoạt ở khóm. Trộm cắp, giật đồ bây giờ hoạt động phức tạp, trước hết mình phải tự giữ an toàn cho mình trước”- bà N nói.

Dịp cuối năm, người dân mất cảnh giác vì nhiều lý do như: công việc, mua sắm chuẩn bị Tết, đi công tác, về quê thường xuyên nên kẻ gian lợi dụng thời cơ này để hành nghề. Kinh nghiệm dân gian, ông bà đã nhắc nhở tháng chạp là “tháng củ mật” phải cảnh giác để không mất của. Vì vậy, 1 năm chỉ được nghỉ ngơi, sum họp cùng gia đình để vui Tết, đừng để Tết kém vui vì mất của do phút lơ là.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích