Đã có hơn 3 triệu người trên thế giới tử vong vì dịch COVID-19

17/04/2021 - 08:07

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h sáng ngày 17-4 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 140.499.899 ca mắc COVID-19 và 3.011.440 ca tử vong.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 10/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h sáng ngày 17-4 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 140.499.899 ca mắc COVID-19 và 3.011.440 ca tử vong.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lo ngại khi tỷ lệ lây nhiễm trên toàn cầu đang tiếp tục tăng mạnh và tiệm cận mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. 

Maroc tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ 13 quốc gia

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 16-4, Văn phòng các sân bay Maroc (ONDA) cho biết sẽ tạm dừng các chuyến bay chở khách đến và đi từ 13 quốc gia khác cho đến khi có thông báo mới.

 Đó là các quốc gia gồm Albania, Bulgaria, Cyprus, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Romania, Serbia, Slovakia và Slovenia, ONDA cho biết trên tài khoản Facebook. Cũng theo nguồn tin này, quyết định đình chỉ trên cũng áp dụng cho du lịch đến 13 quốc gia này và sau đó di chuyển đến các quốc gia khác.

Việc đình chỉ các liên kết hàng không này là một phần trong các biện pháp mà Maroc thực hiện nhằm chống lại sự lây lan của đại dịch COVID-19. Trước đó, quốc gia này đã tạm ngưng các chuyến bay đến vào đi đối với 50 quốc gia kể từ tháng 15-3 vừa qua.

Với việc đóng cửa mới này, Maroc sẽ ngắt kết nối hàng không với 53 điểm đến. Các tuyến bay hiện vẫn còn mở là những tuyến hoạt động kết nối với các sân bay ở Trung Đông, New York và Montreal, cũng như các thủ đô của tất cả các quốc châu Phi.

Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 16-4, Maroc đã ghi nhận tổng cộng 504.847 trường hợp mắc COVID-19 và 8.934 ca tử vong, trong đó nước này đã ghi nhận 587 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Hiện Maroc xếp thứ 2 trong top 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất, chỉ sau Nam Phi.

Ấn Độ cam kết tăng công suất sản xuất vaccine

Ấn Độ cam kết sẽ nâng sản lượng hằng tháng của vaccine Covaxin ngừa bệnh COVID-19, do hãng dược phẩm Bharat Biotech của nước này phát triển, gấp khoảng 10 lần lên mức gần 100 triệu liều vào trước tháng 9. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tốc độ tiêm phòng COVID-19 hằng ngày tại nước này đã giảm dần khi số ca nhiễm mới không ngừng tăng.

Vaccine AstraZeneneca. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Trong một tuyên bố ngày 16-4, Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ khẳng định sản lượng vaccine Covaxin sẽ tăng gấp đôi vào tháng 5 và 6 tới, sau đó sẽ tăng gần gấp 6-7 lần trong hai tháng tiếp theo. Theo bộ trên, chính phủ sẽ hỗ trợ 17 triệu USD nhằm gia tăng sản lượng vaccine Covaxin.

Thống kê cho thấy nếu trong ngày 5-4, lượng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ đạt khoảng 4,5 triệu liều/ngày, thì sau đó giảm xuống mức trung bình khoảng 3 triệu liều/ngày. Nguyên nhân là nguồn cung vaccine hạn chế và công ty sản xuất trong nước đang phải hối thúc Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu.

Vaccine của AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ (SII) sản xuất chiếm tới 91% trong số 115,5 triệu liều vaccine được sử dụng tại nước này. Tuy nhiên, hoạt động của SII, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã bị chững lại do thiếu hụt nguyên liệu.

Sau khi các nỗ lực ngoại giao không đem lại kết quả, Giám đốc SII Adar Poonawalla đã trực tiếp kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden chấm dứt việc hạn chế nguồn cung, vốn nhằm mục đích hỗ trợ các công ty sản xuất vaccine của Mỹ.

Chile thông báo hiệu quả của vaccine Sinovac

Cùng ngày, Chính phủ Chile thông báo vaccine CoronaVac ngừa COVID-19, do hãng dược phẩm Sinovac bào chế, đạt hiệu quả 67%.

Theo nghiên cứu thực tế đầu tiên trên thế giới, vaccine CoronaVac có thể ngăn chặn nguy cơ nhập viện tới 85% và ngăn chặn nguy cơ tử vong tới 80%. Để đi đến kết luận trên, Chile đã nghiên cứu trên 10,5 triệu người, bao gồm cả những người đã được tiêm phòng và những người chưa được tiêm.

Việc công bố dữ liệu về vaccine CoronaVac đưa Chile trở thành một trong số ít các nước, trong đó có Anh và Israel, thông qua chiến dịch tiêm chủng để thu thập, đánh giá hiệu quả của vaccine ngoài các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Đầu tháng 1 vừa qua, các nhà nghiên cứu Brazil đã chỉ ra vaccine CoronaVac đạt hiệu quả 78% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Indonesia cũng đã phê duyệt việc lưu hành vaccine khẩn cấp dựa trên các dữ liệu tạm thời, theo đó, vaccine đạt hiệu quả 65%.

Thử nghiệm tại Thổ Nhĩ kỳ cho thấy vaccine CoronaVac đạt hiệu quả 83,5% trong việc ngăn chặn các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng và 100% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện.

Cũng trong ngày 16/4, Thủ tướng Angela Merkel, 66 tuổi, đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. Trong một tuyên bố, bà khẳng định "Vaccine là chìa khóa để vượt qua đại dịch".

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng đã được tiêm phòng vaccine của AstraZeneca.

Chile và Uruguay trải qua thời khắc tồi tệ nhất trong đại dịch COVID-19

Năm ngoái, Chile và Uruguay đã trở thành những hình mẫu về cách đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 và nằm trong số 5 nước hàng đầu trên thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa căn bệnh này.

Tuy nhiên, cả hai nước Nam Mỹ này đang trải qua thời khắc tồi tệ nhất của đại dịch khi số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vẫn ở mức cao.

Tháng 3, cả Chile và Uruguay ghi nhận số ca mắc mới tăng rõ rệt nhất kể từ đầu dịch. Trong tháng 4 này, hai nước đều công bố số ca mắc mới mỗi ngày tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, Chile có 9.171 ca mắc mới ngày 9/4, cao hơn cả mốc đỉnh 6.938 ca từng ghi nhận vào mùa Đông năm ngoái. Uruguay ghi nhận số ca mắc mới tăng cao chưa từng thấy với 3.935 ca mắc mới ngày 7/4 vừa qua, sau đó ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 52 ca.

Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình hình dịch bệnh diễn biến xấu tại Chile, các chuyên gia đề cập đến một yếu tố là do chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Chile, ông Juan Pablo Torres cho biết: “Thông điệp nới lỏng đã được truyền đi, đặc biệt cùng với kỳ nghỉ Hè (từ tháng 1-3).”

Các quy định phòng dịch được nới lỏng cho phép người dân đi lại dễ dàng trong nước, nhiều người cũng có tâm lý chủ qua, không tuân thủ những biện pháp tự phòng ngừa. 

Chuyên gia Torres cũng cho biết các quy trình truy vết và cách ly bệnh nhân COVID-19 tại Chile còn nhiều kẽ hở.

Theo báo cáo giám sát xét nghiệm - truy vết - cách ly gần đây tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, cứ 3 trung tâm thì có một trung tâm cho biết họ không truy tìm các ca nghi mắc. Trong các báo cáo trước đây, tỷ lệ này chưa đến 1/10.

Trong khi đó, bà Katia Abarca, giảng viên Đại học Công giáo Giáo hoàng Chile và Giám đốc một trung tâm nghiên cứu vaccine Sinovac tại Chile, nêu một nguyên nhân khác là do mở cửa biên giới, tạo điều kiện cho những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 từ Brazil và Anh xâm nhập.

Tính đến cuối tháng 3, Bộ Y tế Chile đã xác định 64 ca nhiễm biến thể có nguồn gốc ở Anh và 45 ca nhiễm biến thể ở Brazil. Theo bà Abarca, vấn đề nằm ở chỗ giải trình tự gene để xác định các biến thể là công việc phức tạp và mất nhiều thời gian.

Đến cuối tháng 3, Bộ Khoa học Chile thông báo phòng thí nghiệm của các trường đại học sẽ cùng tham gia nỗ lực giải trình tự gene của virus, tăng số lượng từ 150 lên 500 mẫu/tuần.

Bà Abarca nhấn mạnh: “Chính phủ rất lo ngại về nền kinh tế đất nước, nhưng chúng ta không thể phát triển kinh tế nếu không có sức khỏe.” Đến ngày 5/4, Chile đã bắt đầu đóng cửa biên giới.

Ngày 23/3 vừa qua, Uruguay thông báo đã phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Brazil. Kể từ đó, các nghiên cứu dựa trên các mẫu bệnh phẩm trên cả nước cho thấy tỷ lệ lây nhiễm gia tăng.

Đến nay, quốc gia 3,4 triệu dân này chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể mới của virus xuất hiện lần đầu tại Anh.

Mặc dù các chuyên gia ở cả Chile và Uruguay cho rằng số ca mắc tăng vọt một phần là do khả năng lây lan mạnh hơn của các biến thể mới, song chưa có dữ liệu cụ thể để chứng tỏ điều này.

Bà Ximena Aguilera, Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học và chính sách y tế của Khoa Y thuộc Đại học Desarrollo và là thành viên của Hội đồng Cố vấn về COVID-19 thuộc Bộ Y tế Chile, cho biết biểu đồ dịch bệnh tại Chile và Uruguay cũng tương tự như các nước Brazil, Argentina và Paraguay, tức là số ca mắc tăng vào giữa tháng 1 năm nay và tăng từ nửa cuối tháng 2.

Theo bà, nguyên nhân một phần là do các hoạt động đón mừng Giáng sinh và Năm mới 2021, sau đó là kỳ nghỉ Hè. Đó là lý do số ca mắc mới trong khu vực không giảm đáng kể vào mùa Hè, tương tự như ở Bắc bán cầu.

Tháng 2 vừa qua, cả Chile và Uruguay đều đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Tại Chile, đến nay đã có 30% được tiêm vaccine, trong đó hơn 30% đã được tiêm mũi vaccine thứ hai. 

Theo số liệu chính thức, số bệnh nhân trên 70 tuổi mắc COVID-19 thể nặng đã giảm 13% trong tháng 3. Hơn 80% số người trong nhóm cao tuổi này đã được tiêm vaccine. Cũng trong tháng này, tỷ lệ người từ 40-49 tuổi mắc COVID-19 tăng 158% trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm người này chỉ đạt 1%. 

Tại Uruguay, 23% dân số đã được tiêm một mũi vaccine và khoảng 5% dân số đã được tiêm mũi thứ hai. Chiến dịch tiêm vaccine tại Uruguay được đánh giá tốt.

Tuy nhiên, bà Pilar Moreno, nhà nghiên cứu tại Đại học Cộng hòa và Viện Pasteur de Montevideo, cho biết đất nước đang đối mặt với số ca nhiễm gia tăng theo cấp số nhân và phải đợi đến tháng 5 tới mới thấy được tác dụng của vaccine đối với người dân.

Trong bối cảnh số ca mắc tăng vọt tại hai nước Nam Mỹ, giới chuyên gia đều cho rằng chính phủ và người dân hai nước phải duy trì các biện pháp kiểm soát đại dịch. Chuyên gia Torres khẳng định chừng nào các nước chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì chừng đó người dân chưa thể nới lỏng các biện pháp phòng ngừa.

Về phần mình, bà Moreno nhấn mạnh cần giảm tỷ lệ lây nhiễm trong khi triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 vì số ca mắc gia tăng có nguy cơ dẫn đến sự xuất hiện của những biến thể mới.

Ngày 12-4 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dù người dân thế giới đã được tiêm hơn 780 triệu liều vaccine, song số ca mắc mới tăng 7 tuần liên tiếp và số ca tử vong tăng trong 4 tuần tính trên toàn cầu.

Người đứng đầu WHO lưu ý: “Vaccine là công cụ quan trọng và mạnh mẽ, nhưng không phải là công cụ duy nhất,” đồng thời kêu gọi mọi người tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tăng cường giám sát, xét nghiệm, theo dõi tiếp xúc để ngăn dịch bệnh lây lan.

Theo TTXVN/Vietnam+