Nhiều năm qua, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của người dân, nhất là công nhân ở các đô thị lớn, địa phương có nhiều khu chế xuất, công nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do nhiều lí do khác nhau nên đây vẫn là đề tài 'nóng' mỗi lần nhắc đến.
AA
Một khu nhà ở cho công nhân thuê tại thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội).
Theo thống kê, hiện cả nước có 2,7 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Hằng năm, nhu cầu về chỗ ở tại các khu công nghiệp vẫn tăng từ 20% - 25%. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có khoảng 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 - 4 m2 /người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, môi trường sinh hoạt chật chội, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.
Vì vậy, việc xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm các điều kiện, tiện ích công cộng, sinh hoạt văn hóa, giải trí cho công nhân…, là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước xác định, việc phát triển nhà ở xã hội là chính sách rất nhân văn và cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện tốt nhất giúp công nhân “an cư lạc nghiệp”, do đó đã ban hành nhiều văn bản thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Qua đó đã từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo cơ chế vận hành thông suốt, giúp tăng cường các nguồn lực để các đơn vị, địa phương thực hiện chính sách.
Điển hình, các cơ quan thực thi chính sách về nhà ở xã hội đã có sự phối hợp với các địa phương, từ đó nhận diện và từng bước chỉnh sửa, bổ sung, giải quyết những thiếu sót, những điểm chưa phù hợp, hay những vấn đề còn vướng mắc về cơ chế, chính sách. Các địa phương bước đầu đã có sự chủ động, linh hoạt trong bố trí các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân...
Cùng với đó, nhiều gói vay vốn hỗ trợ công nhân lao động được triển khai, như gói vay vốn ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách xã hội, gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.
Đáng chú ý, tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2023”. Theo kế hoạch đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn; trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn, giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Các địa phương có nhiều khu công nghiệp và đông công nhân ngoại tỉnh lưu trú, như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai… đã thực hiện nhiều mô hình nhà ở cho công nhân có sự tham gia, liên kết của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Với sự vào cuộc đó, hiện trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024). Trong đó, số lượng dự án hoàn thành: 75 dự án với quy mô 39.884 căn (tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15.3.2024); số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 128 dự án với quy mô 115.379 căn.
Tuy vậy, nhìn vào thực tiễn hiện nay, sự quan tâm và triển khai công tác này cơ bản vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho công nhân còn nhiều điểm hạn chế, chưa đồng bộ, kịp thời; do vậy, tiến độ hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhà ở xã hội còn chậm, mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của công nhân.
Nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã không đạt được; nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng; công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập; tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp...
Chưa hết, công tác kiểm tra xây dựng nhà ở xã hội chưa được triển khai chặt chẽ, thường xuyên, do vậy còn tình trạng nhà ở xã hội chất lượng thấp, nhanh xuống cấp, thiếu an toàn cho người ở. Chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp thuê (chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp hiện đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 nhóm đối tượng (theo Luật Nhà ở năm 2014; Luật Nhà ở năm 2023 đã có thêm 2 đối tượng).
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại đã “khó 1” thì đối với dự án nhà ở xã hội lại “khó gấp đôi”. Đây cũng là một nguyên nhân khiến kết quả phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước chỉ đạt khoảng 41% kế hoạch; trong đó TP Hồ Chí Minh tuy đạt 75% kế hoạch, nhưng số lượng thực tế chỉ có 15.000 căn nhà ở xã hội (bình quân 3.000 căn/năm).
Một số ý kiến của các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, giá bán, giá cho thuê, giá mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý khác như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp,... Trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% đã làm nản lòng các chủ đầu tư do lợi nhuận thu được quá thấp....
Để đáp ứng nhu cầu lớn hiện nay về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhấn mạnh, cần sớm tháo gỡ ngay thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với tất cả dự án nhà ở xã hội. Các địa phương bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, và triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Đấu thầu 2023, để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực và khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất công (đất sạch) đã được quy hoạch, để phát triển nhà ở xã hội, khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai như đã xảy ra trước đây.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần rà soát quỹ đất thực hiện, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục cấp phép xây dựng, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở công nhân nhiều hơn nữa, theo đúng quan điểm đã được định hướng là rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thủ tục hành chính về nhà ở xã hội; đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp; đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước và từng tỉnh, thành phố.
Cùng với việc tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, chính sách, cơ chế đầu tư phù hợp thì việc nghiên cứu, triển khai da dạng các loại hình nhà ở phù hợp với thu nhập của công nhân cũng rất cần thiết. Đồng thời cần tạo lập chính sách cho toàn thể xã hội tham gia tạo lập nguồn cung. Bởi khó có một doanh nghiệp nào có thể xây dựng khối lượng căn hộ xã hội lớn để đáp ứng cho thị trường mua và cho thuê.
Một chuyên gia kinh tế ở TP Hồ Chí Minh lưu ý, hoạt động thu hút đầu tư nói chung không thể chỉ một đám đất trống mời gọi nhà đầu tư. Trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cần phải có kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, doanh nghiệp xây dựng dự án… mới kết nối thành một vùng đô thị cho người mua, thuê mua làm việc, sinh sống.
Tại cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì với các bộ, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" diễn ra ngày 17/5 vừa qua, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan trong hoàn thiện thể chế; hướng dẫn các luật liên quan nhà ở xã hội; giám sát việc thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội; xây dựng chiến lược nhà ở; ban hành tiêu chuẩn, quy trình thống nhất cho các địa phương trên cả nước; nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu tái định cư chưa sử dụng sang nhà ở xã hội; huy động tối đa các nguồn lực, bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực tài chính, áp dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian thi công; công bố công khai thông tin về dự án để người dân biết. Các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, biểu dương, cổ vũ các mô hình tốt, cách làm hay trong phát triển nhà ở xã hội...
Đáng chú ý, ngày 24/5, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị 34/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Theo đó, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu. Đồng thời, trong khâu tổ chức thực hiện, Ban Bí thư chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan có liên quan những nhiệm vụ trọng tâm rất cụ thể...
Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra, thiết nghĩ, cùng với chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương chỉ đạo thông suốt đến chính quyền địa phương, cùng sự chung tay của các cơ quan ban, ngành, tạo điều kiện và khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động. Muốn thế, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực với các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể. Các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua phải đơn giản hơn. Có như thế, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2023” mới đi vào cuộc sống...
Theo Đảng Cộng Sản
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: