Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết do Nga khởi xướng nhằm cải tổ tổ chức

19/07/2025 - 14:13

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức thông qua một nghị quyết do Liên bang Nga khởi xướng, nằm trong khuôn khổ sáng kiến UN80, với mục tiêu thúc đẩy quá trình cải tổ và hiện đại hóa hoạt động của tổ chức này nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập.

Chú thích ảnh

Toàn cảnh một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo hãng tin TASS ngày 19/7, nghị quyết nhằm tăng cường vai trò và hiệu quả của Liên hợp quốc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải cải thiện tính minh bạch, năng lực tài chính và khả năng ứng phó trước các biến động địa chính trị hiện đại.

Văn kiện nêu rõ, các quốc gia thành viên cần đóng vai trò trung tâm trong tiến trình cải cách, đồng thời phản đối việc đưa ra các quyết định quan trọng theo hình thức thiếu minh bạch hay bên ngoài cơ chế liên chính phủ. Đại diện Nga tại Liên hợp quốc khẳng định, mọi cải cách cần được thực hiện thông qua thảo luận rộng rãi và công khai, nhằm đảm bảo sự đồng thuận và công bằng trong toàn bộ hệ thống.

Trước khi đưa ra bỏ phiếu, Nga đã tổ chức các phiên tham vấn mở, tạo điều kiện để các nước thành viên đóng góp ý kiến mà không làm thay đổi các mục tiêu cốt lõi của sáng kiến. Phía Nga nhấn mạnh rằng, quá trình tham vấn là khẳng định cho các cam kết thúc đẩy cải cách toàn diện và hiệu quả hơn, phản ánh đúng nhu cầu của thời đại.

Nghị quyết cũng đề cập đến việc xem xét lại cơ chế vận hành và tài chính hóa các hoạt động của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi nâng cao khả năng đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, xung đột khu vực, khủng hoảng nhân đạo và mất an ninh lương thực.

Theo giới phân tích, việc sáng kiến UN80 được Đại hội đồng thông qua cho thấy Moskva đang nỗ lực thúc đẩy vai trò của mình trong các thể chế đa phương, đặc biệt trong bối cảnh phải đối mặt với sức ép gia tăng từ phương Tây. Đây cũng có thể được xem là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy tiếng nói của các quốc gia đang phát triển và nhóm BRICS trong hệ thống quản trị toàn cầu.

Hiện chưa có phản ứng chính thức từ các nước phương Tây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nghị quyết này có thể mở đường cho các cuộc thảo luận sâu rộng hơn về vai trò, cơ chế ra quyết định và mô hình hoạt động của Liên hợp quốc trong giai đoạn mới.

Việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết do Nga đề xuất phản ánh sự đồng thuận tương đối trong cộng đồng quốc tế về nhu cầu cải tổ bộ máy Liên hợp quốc, hướng tới một hệ thống toàn diện hơn, hiệu quả hơn và thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của trật tự toàn cầu.

Theo TTXVN