Đảm bảo an toàn thực phẩm Tết

24/01/2024 - 04:54

 - Tết Nguyên đán đang tới gần, là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu... Việc tăng cường quản lý, kiểm tra bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) cần được tăng cường, nhằm phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe.

Quan sát tại các chợ, điểm bán nhỏ lẻ cho thấy, có nhiều điểm bán thực phẩm Tết dưới dạng cân ký hoặc đóng trong gói, hộp, keo. Hàng hóa này không có nhãn ghi thông tin về tên sản phẩm, đơn vị sản xuất, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hàng hóa nhập khẩu không có nhãn tiếng Việt, nhất là những sản phẩm "nhà làm", như: Khô bò, khô gà, dưa kiệu, dưa đầu heo... Người bán cho rằng, đặc sản nhà làm quan trọng là ngon, sạch, không cần nhãn mác. Còn người mua “dễ dãi” cũng ậm ừ: Thấy giá cả cũng hợp lý.

Ngoài thịt bẩn, thịt gia súc, gia cầm trôi nổi, hàng hóa không rõ nguồn gốc trà trộn, len lỏi vào thị trường Tết, cơ quan chức năng còn cảnh báo vào dịp Tết, nhất thị trường quà biếu, tặng rất sôi động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm ATTP, như: Sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, bánh, mứt, kẹo đã hết hạn, rồi đóng nhãn mác mới tung ra thị trường. Hay thực phẩm đã quá hạn, ôi thiu, được tích trữ trong các kho lạnh, đem tung ra thị trường vào dịp Tết...

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024

Để bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, các ngành, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời xử lý các vi phạm. “Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các địa phương có cửa khẩu, có nhiều điểm tham quan du lịch, nhằm bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”- Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền thông tin.

Kiểm tra tại điểm bán hộ kinh doanh Tăng Kim Phượng (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện có 23 loại hàng hóa có nhãn tiếng Việt không đúng, không nhãn, hàng hóa nguồn gốc nước ngoài không có nhãn tiếng Việt. Đoàn tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa để xử lý. “Ngoài lấy sản phẩm của các công ty, chúng tôi còn lấy hàng của những người chạy xe gắn máy tới bỏ mối, lấy mỗi thứ một ít và chỉ nhận hóa đơn bán lẻ” - bà Tăng Kim Phượng thật tình.

Tại buổi kiểm tra, Chánh Thanh tra Sở Y tế Phạm Vĩnh Thăng đề nghị: “Cơ sở chưa thực hiện cam kết đảm bảo ATTP với Phòng Kinh tế TP. Long Xuyên, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đề nghị cơ sở dừng ngay việc kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc này, lưu ý việc đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng”.

Kiểm tra tại cơ sở sản xuất pa-tê, chả lụa Chín Lụa (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên), cơ sở có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về ATTP cho loại hình kinh doanh thực phẩm; điều kiện vệ sinh, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất bảo đảm, có nguồn gốc nguyên liệu chế biến, nhãn dán đúng quy định. Qua test nhanh hàn the trên sản phẩm chả lụa, kết quả không phát hiện hàn the.

Kiểm tra tại hộ kinh doanh cơ sở bánh kẹo Kim Yến (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên), cơ sở có đầy đủ hồ sơ pháp lý về ATTP. Nhà xưởng rộng, phân khu hợp lý, có đủ máy thiết bị chuyên dụng để sản xuất. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, đoàn kiểm tra nhắc nhở, yêu cầu khắc phục.

Chánh Thanh tra Sở Y tế Phạm Vĩnh Thăng cho biết, kinh doanh hàng hóa sản xuất trong nước có nhãn không đầy đủ nội dung quy định, hàng hóa nhập khẩu không có nhãn, sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. “Qua kiểm tra, chúng tôi tăng cường truyền thông, hướng dẫn để người tiêu dùng hiểu hơn về nhãn mác, chất lượng sản phẩm, biết cách lựa chọn sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu ăn uống của mình.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các hộ kinh doanh nắm kiến thức, để họ biết mối nguy hại của các sản phẩm không có nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu không đúng quy định. Đặc biệt, ngành chức năng siết chặt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Ngành y tế khuyến cáo người tiêu dùng phải xem nhãn đầy đủ các tiêu chí: Hạn dùng, thành phần, không mua thực phẩm tại các cơ sở không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết, để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hư hỏng...

HẠNH CHÂU