Đánh thức đất núi mùa mưa

09/06/2020 - 06:41

 - Mùa mưa đến cũng là lúc diện tích đất sản xuất thiếu nước ở vùng Bảy Núi “thức giấc” với những vườn cây, rẫy hoa màu xanh ngát. Đối với người nông dân ở miệt bán sơn địa này, mùa mưa chính là vụ sản xuất chính trong năm với nguồn thu kha khá từ mảnh đất của mình.

Nông dân Tà Lọt chuẩn bị đất sản xuất đón mùa mưa 

Bảy Núi những ngày đầu tháng 6 nắng gay gắt! Cánh đồng dưới chân núi vẫn trắng xóa một màu. Tuy nhiên, đâu đó xuất hiện màu xanh của hoa màu bởi người dân đã bắt tay vào vụ sản xuất trong mùa mưa. Ông Chau Son (nông dân xã An Cư, Tịnh Biên, An Giang) cho biết: “Vùng này từ trước giờ chỉ sản xuất vào mùa mưa. Mưa xuống, bà con có nước trồng lúa, trồng rẫy. Bây giờ, một số nơi đã có công trình thủy lợi nên cũng đỡ thiếu nước. Như mảnh đất của tôi, tháng này trồng cây  đậu phộng dễ ăn lắm! Vì loại cây này không cần nhiều nước nên tôi cũng có cái ăn. Những chỗ có trạm bơm chạy tới thì người ta trồng đậu phộng quanh năm”.

Theo chỉ tay của ông Chau Son, trước mắt tôi là mảng cát trắng tinh đã lún phún những hàng đậu phộng của ông. Nhờ mấy trận mưa gần đây, 6 công đất của ông Chau Son đã dôn dốt ướt nên ông tranh thủ xuống giống sớm. Sau những tháng "nằm im" dưới cái nắng chói chang, giờ là lúc ông Chau Son buộc mảnh đất ấy phải “thức giấc” để mang đến cho mình nguồn thu nuôi sống gia đình. Bởi thế, đôi mắt ông tuy hấp háy dưới cái nắng trưa thiêu đốt nhưng vẫn ánh lên niềm hy vọng cho những ngày sắp tới.

Mạnh tay bẻ lái chiếc máy xới vẽ những vòng tròn san sát trên phần đất của mình, anh Nguyễn Văn Lời (nông dân ấp Tà Lọt, xã An Hảo, Tịnh Biên) vẫn còn lo lắng, vì thời tiết năm nay nắng hạn kéo dài. Với những nông dân gắn bó cùng mảnh đất Tà Lọt như anh, mùa mưa là cơ hội để thụ hưởng “nước trời” phục vụ sản xuất. Do đó, khi những hạt mưa đầu mùa lất phất rơi thì ai cũng tranh thủ xới đất, lên líp, đợi mưa già sẽ xuống giống.

Tiếng máy xới xình xịch khuấy động buổi ban trưa. Mặt đất Tà Lọt trở mình. Thoang thoảng trong gió là mùi đất mới! Với tay lấy một nắm đất dưới chân lên, anh Lời cho biết dù chỉ làm rẫy mỗi năm 1 vụ nhưng năng suất ở Tà Lọt không thua kém miệt đồng bằng là bao. Bởi, vùng đất này vốn được thụ hưởng phù sa theo dòng chảy từ núi Cấm xuống trong mùa mưa nên khá phì nhiêu. Do đó, nông dân Tà Lọt rất ít sử dụng phân vô cơ nên tiết kiệm được một khoản chi phí.

Trái cây ở Tà Lọt vào mùa mưa

Đến Tà Lọt vào mùa mưa, khách phương xa sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự xanh mát của những vườn xoài, vườn mãng cầu hay những đám rẫy nối tiếp nhau. Mảnh đất ấy sau thời gian “nằm nghỉ” trong mùa khô dường như đã dồn sức sống để dâng cho đời những mùa trái lủng lẳng trên cành, những luống cà tím chân quê hay mấy rẫy dưa mướt mắt. Nếu tinh ý, có thể thấy đất sản xuất ở Tà Lọt có chút gì đó giống với ruộng bậc thang vùng Tây Bắc. Bởi thế, khung cảnh nơi đây vẫn thu hút ít nhiều “phượt thủ” trong mùa mưa, khi màu xanh đã dần phủ kín những mảng đất khô cằn.

Theo anh Lời, khi miệt đồng bằng gần chấm dứt vụ sản xuất để tránh lũ thì nông dân Tà Lọt mới bắt đầu mùa rẫy của mình. Cứ thế, đã nhiều năm nay Tà Lọt sinh động hơn trong những tháng mưa. Nông dân tính toán rất kỹ việc phải xuống giống những loại cây gì. Nếu là cây dài ngày thì chỉ được 1 vụ duy nhất. Với các loại hoa màu ngắn ngày thì có thể trồng 2 vụ trong mùa mưa. Tuy vậy, nguồn thu từ những vụ mùa này vẫn đủ để người nông dân chờ đợi đến… mùa mưa năm sau!

“Bây giờ đúng là năm nhuần, tháng hạn! Đến giữa tháng 4 (âm lịch) mà chỉ có mấy đám mưa vừa ướt đất. Bởi vậy, tui phải đợi thêm vài hôm nữa coi sao. Vụ này định trồng cà, trồng dưa cho nhẹ công chăm sóc. Với lại, “nước trời” năm nay coi bộ ít nên mình phải tính toán thiệt kỹ. Dân ở đây là vậy, đã sống phụ thuộc mùa mưa từ trước tới nay. Hiện giờ, ai cũng ngóng đợi nhà nước đầu tư mấy hồ thủy lợi dưới chân núi để có nước sản xuất. Khi đó, đời sống tụi tui sẽ đỡ hơn nhiều lắm!”- anh Lời thật tình.

Tạm biệt tôi với nụ cười hiền hậu, anh Lời trở lại chiếc máy xới để tiếp tục công việc còn dở dang. Có lẽ, niềm mong ước của anh rồi cũng sẽ hình thành khi huyện Tịnh Biên, Tri Tôn đang được đầu tư các công trình thủy lợi nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi các hồ nước này hoàn thành, nông dân xứ núi có thể sản xuất quanh năm, chứ không cần “đánh thức” đất núi khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống.

Ngày 29-10-2018, UBND tỉnh An Giang đã có quyết định phê duyệt dự án về đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi. Theo đó, tỉnh sẽ vận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương và đối ứng ngân sách để thực hiện 5 hồ thủy lợi trên địa bàn huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, gồm: hồ Suối Tiên, hồ Tà Lọt, hồ Cô Tô, hồ Đăk-lay, hồ Núi Dài 2, với tổng kinh phí thực hiện trên 366 tỷ đồng.

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích