Dấu ấn thành công kép của ngành giáo dục

17/01/2021 - 15:11

Năm vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ngành giáo dục đã có những nỗ lực và sáng tạo trong dạy và học. Kết quả của ngành GD-ĐT trong dạy học an toàn song song với phòng chống dịch Covid-19 đã được đánh giá cao.

Công tác phòng chống dịch được đẩy mạnh trong các nhà trường (Ảnh: THUỶ NGUYÊN)

Đầu tháng 2-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. 63 tỉnh/thành phố ngay sau đó ra thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Gần 24 triệu học sinh, sinh viên của khoảng hơn 53.000 cơ sở GD-ĐT cả nước theo đó không thể đến trường.

Xác định chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học tăng cường các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.


Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: THUỶ NGUYÊN)

Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29-9-2020 nhận xét: “Việc học trực tuyến để phòng-chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”.


Phun khử khuẩn tại các trường học (Ảnh: DUY LINH) 

Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.

Dạy học trực tuyến đã giúp rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Hình thức dạy học này cũng giúp giáo viên, học sinh làm quen và tăng cường hơn các kỹ năng công nghệ thông tin, thích ứng với những hình thức học tập mới của giáo dục tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0.


Học sinh học trực tuyến (Ảnh: DUY LINH) 

Để hỗ trợ công tác giáo dục cho các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19; Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020. Khi học sinh quay trở lại trường, ngành giáo dục đã áp dụng đồng bộ nhiều biện để bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho trường học.

Năm học 2019-2020 khép lại với thành công kép của ngành GD-ĐT trong thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên; đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học. Gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước; 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau hai đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, đều an toàn trước dịch bệnh. Các nhà trường kết thúc chương trình giáo dục đáp ứng chuẩn yêu cầu đầu ra, bảo đảm tiến độ theo khung thời gian năm học đã quy định.

Kết quả của ngành GD-ĐT trong dạy học an toàn dịp Covid-19, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 đã nhấn mạnh đây là “kết quả nổi bật” của ngành.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những nỗ lực và thành quả của giáo dục Việt Nam trong cuộc chiến với Covid 19.

“Tôi rất ấn tượng với những nỗ lực và phản ứng rất nhanh của Bộ GD-ĐT Việt Nam trong việc duy trì hoạt động học tập của trẻ em khi trường học đóng cửa vì đại dịch Covid-19” - Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers phát biểu tại Hội nghị ASEAN - UNICEF về Chuyển đổi kỹ thuật số các hệ thống giáo dục trong toàn ASEAN, tháng 10-2020. “Những giải pháp được đưa ra rất nhanh và hiệu quả, hành động hết sức khẩn trương. Bên cạnh việc đó, Bộ GD-ĐT còn quan tâm đến việc bảo đảm sức khoẻ cho người học… Những chỉ đạo, nỗ lực thực hiện các mô hình học tập an toàn trong dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT Việt Nam đã được nhiều quốc gia trên thế giới ca ngợi và học tập” – bà cho biết.

Giáo sư Fernando Reimers - trường Đại học Havard (Mỹ) cũng cho biết, khi thực hiện nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch, nhóm đã chọn Việt Nam làm ví dụ điển hình để các nước khác học hỏi kinh nghiệm.

THANH XUÂN (Nhân dân)