Đầu nguồn ứng phó sạt lở - Kỳ 2: Tăng cường ứng phó sạt lở

02/10/2019 - 10:18

 - Trước tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết, những hoạt động xây dựng các công trình liên quan đến tổng nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông, hoạt động kinh tế - xã hội làm thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy, địa hình làm gia tăng các vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

Đầu nguồn ứng phó sạt lở - Kỳ 2: Tăng cường ứng phó sạt lở

Người dân sống thấp thỏm trên miệng thủy thần.

Đầu nguồn ứng phó sạt lở - Kỳ 2: Tăng cường ứng phó sạt lở

Lũ chia cắt nhiều tuyến đường, gây sạt lở nhiều nơi.

Diễn biến phức tạp

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh rạch trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố (trong đó 9 vụ trên sông Hậu, các kênh rạch lớn 11 vụ và 5 vụ trên kênh, rạch nhỏ). Tổng chiều dài sạt lở là 1.536m, làm mất 9.183m2 đất, ảnh hưởng 104 căn nhà, thiệt hại khoảng 29 tỷ đồng.

Theo đó, trên địa bàn huyện An Phú xảy ra 4 điểm sạt lở, gồm: 3 điểm trên sông Hậu tại tổ 13 và 14 thuộc ấp Quốc Khánh (xã Quốc Thái), ấp Vĩnh Bình (xã Vĩnh Trường) và 1 điểm trên kênh Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Lộc) với tổng chiều dài sạt lở 762m, ảnh hưởng 31 căn nhà phải di dời. Trên địa bàn TX. Tân Châu xảy ra 9 điểm gồm: 5 điểm trên kênh xáng Tân An, 3 điểm trên bờ sông Hậu, 1 điểm trên kênh Vĩnh An với tổng chiều dài sạt lở 234m, ảnh hưởng 22 căn nhà phải di dời.  Tại huyện Chợ Mới xảy ra 3 điểm sạt lở, gồm: 1 điểm trên bờ sông Hậu tại ấp An Thị (xã An Thạnh Trung) và 2 điểm trên rạch Ông Chưởng với tổng chiều dài sạt lở 180m, ảnh hưởng 30 căn nhà phải di dời. Huyện Châu Phú có 2 điểm sạt lở gồm: 1 điểm trên bờ sông Hậu tại đoạn Quốc lộ 91 thuộc ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ) và 1 điểm trên kênh 10 Châu Phú với tổng chiều dài sạt lở 145m, ảnh hưởng 16 căn nhà phải di dời.

Trên địa bàn TP. Long Xuyên có 5 điểm sạt lở, trong đó trên bờ sông Hậu 2 điểm tại khóm Bình đức 3 (phường Bình Đức), ấp Mỹ Khánh (xã Mỹ Hòa Hưng) và 3 điểm trên rạch Cái Sắn, gồm: ở tổ 13 (khóm Thới Thạnh) và khóm Thạnh Hòa (phường Mỹ Thạnh). Tổng chiều dài sạt lở 180m, ảnh hưởng 5 căn nhà phải di dời.  Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thoại Sơn có 1 điểm sạt lở trên kênh Cái Sắn tại ấp Hòa Tây B (xã Phú Thuận) với tổng chiều dài sạt lở 35m. Tại huyện Châu Thành có 1 điểm răn nứt trên bờ sông Hậu tại Tổ 11 thuộc ấp Hòa Phú 4, thị trấn An Châu.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, nếu tính số vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh thì không tăng nhưng mức độ từng vụ nghiêm trọng hơn, phạm vi rộng hơn, khó khắc phục để tránh sạt lở tiếp. Sạt lở không chỉ xảy ra ở các sông lớn mà còn xảy ra trên các kênh, rạch nhỏ, diễn biến sạt lở xảy ra với tốc độ nhanh hơn. Nhất là, một số vị trí sạt lở mới phát sinh không nằm trong trong cảnh báo, như 3 đoạn sụt lún, răn nứt tại xã Vĩnh Lộc (An Phú), thị trấn An Châu (Châu Thành) và xã Phú Thuận (Thoại Sơn).

Tăng cường ứng phó

Để kịp thời dự báo nguy cơ sạt lở hàng năm, Sở Tài nguyên – Môi trường tăng cường đo đạc địa hình, kết hợp với các số liệu thủy văn để đánh giá, dự báo tình hình sạt lở. Kết quả quan trắc đợt 1 (triển khai tháng 7-2019) cho thấy toàn tỉnh có 52 đoạn sông có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài 169.330m (tăng 7.680m so kỳ quan trắc trước). Trong đó, vẫn giữ nguyên 6 đoạn được cảnh báo mức đặc biệt nguy hiểm, 41 đoạn ở mức nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ trung bình.

6 đoạn đặc biệt nguy hiểm gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (TX. Tân Châu) dài 6.900m, trong đó khu vực sạt lở mạnh tại 2 ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2 (dài 4.400m). Đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) dài 1.900m từ vàm xáng Cây Dương đến bến phà Năng Gù, trọng yếu là tại khu vực Trường Tiểu học “A” Bình Mỹ (điểm 2). Đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) tại khu vực ấp Mỹ Thuận và ấp Mỹ Khánh, dài 3.300m. Đoạn sông Hậu chảy ra phường Bình Đức, Mỹ Khánh, Mỹ Bình (TP. Long Xuyên) từ bến đò Cần Xây đến đuôi kè Mỹ Bình, dài 4.300m. Đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (huyện Phú Tân) dài 3.100m; đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới từ Kiến An đến xã Mỹ Hội Đông dài 3.600m… Trong đó, khu vực sạt lở trên Quốc lộ 91 đoạn thuộc xã Bình Mỹ là 1 trong 6 đoạn đặc biệt nguy hiểm.

Với đặc điểm dân cư sống cặp bờ sông kênh rạch, mật độ xây dựng tăng, địa chất, địa mạo thay đổi nền đất yếu và do các phương tiện xe cơ giới lưu thông nên dễ sụp lún. Đồng thời, do diễn biến bất thường của thời tiết, thủy văn, kết hợp với lũ về muộn và rút nhanh, dự báo trong 3 tháng cuối năm 2019 khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở tại các khu vực được cảnh báo, nhất là những đoạn sông được cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm và những nơi đang xảy ra sạt lở, răn nứt.

Theo đó, Sở Tài nguyên – Môi trường kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện và xã tăng cường hơn nữa công tác cảnh báo, phòng chống và khắc phục sạt lở đất bờ sông. Song song đó, Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi, quan trắc đợt 2 và quan trắc đột xuất để kịp thời cảnh báo để chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng chống sạt lở, di dời đến nơi an toàn; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông để làm cơ sở cảnh báo sạt lở trong thời gian tới. Đang triển khai dự án nghiên cứu địa hình, thủy văn 3 sông (sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao) làm cơ sở đánh giá sạt lở và quy hoạch lại hoạt động khai thác cát sông. 

Cùng với đó, Sở Giao thông – Vận tải chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động các dự án nạo vét thông luồng; phối hợp phân luồng phương tiện tham gia giao thông thủy bộ để hạn chế tác động gây ra sạt lở bờ sông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ khắc phục các đoạn sạt lở đã được UBND tỉnh phê duyệt; phối hợp các cơ quan nghiên cứu khoa học đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình ở những đoạn sông được cảnh báo sạt lở; phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tranh thủ các nguồn vốn Trung ương để sớm đầu tư cụm, tuyến dân cư cho các khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. UBND cấp huyện, xã tập trung bám sát dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn để tăng cường theo dõi, tuyên truyền, cảnh báo người dân; có giải pháp bảo vệ đường bờ ở những nơi cua cong và quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình ở những nơi cảnh báo sạt lở…

Một vấn đề quan trọng là tăng cường quản lý các hoạt động xây dựng, dân cư ở ven sông kênh rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ; chuẩn bị quỹ nền cần thiết để bố trí tái định cư sạt lở khẩn cấp. Về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân tránh nguy cơ sạt lở. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục tranh thủ chương trình mục tiêu, tinh thần Nghị Quyết 120 để bố trí vốn cho các dự án dân cư phòng tránh sạt lở. Tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án dân cư kết hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trong đó chú trọng rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch không gian phát triển đô thị, dân cư nông thôn; sắp xếp lại dân cư, từng bước di dời nhà ở ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao. Thực hiện tốt công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo sạt lở định kỳ và đột xuất nhằm sớm phát hiện các nguy cơ và có giải pháp ứng phó kịp thời, tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tranh thủ nguồn lực và tận dụng có hiệu quả chương trình phát triển đô thị thông minh của Trung ương trong công tác phát triển đô thị của tỉnh.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích