Nhà máy điện gió ở Eaglesham Moor, Scotland. Ảnh: AFP/TTXVN
Cột mốc kép
Năm 2022, hệ thống năng lượng của thế giới đã xác lập một cột mốc kép trong quá trình khử cacbon. Dữ liệu mới nhất do nhóm nghiên cứu năng lượng sạch BloombergNEF công bố cho thấy đây là năm đầu tiên mà tổng mức đầu tư của thế giới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tương đương với tổng mức đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch.
Tờ The Time dẫn dữ liệu của BloombergNEF cho biết năm 2022, đầu tư vào các phân khúc dầu mỏ và khí đốt ở thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn cộng với dòng tiền chảy vào sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch không có công nghệ giảm phát thải, đạt 1.100 tỷ USD. Trong cùng thời gian, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông điện khí hóa, lưu trữ năng lượng và các công nghệ khác cũng đạt 1.100 tỷ USD.
Ở một góc độ khác, năm 2022 còn chứng kiến một cột mốc nữa khi đây là năm đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng khử cacbon vượt quá con số 1.000 tỷ USD. Nếu so với mức hơn 250 tỷ USD của năm 2021, rõ ràng một bước nhảy vọt đã được tạo ra, hơn nữa còn là bước nhảy vọt lớn nhất từ trước tới nay. Hai lĩnh vực là năng lượng tái tạo và giao thông điện khí hóa đã hấp thụ phần lớn trong số hơn 1.000 tỷ USD đó.Hai lĩnh vực này được thúc đẩy nhờ số lượng các nhà máy điện gió và điện mặt trời được xây dựng tăng vọt, với tổng công suất lên tới 350 Gigawatt cùng hơn 10 triệu chiếc xe điện được bán ra trên toàn cầu.
Tuy nhiên, phải thấy rằng mặc dù năng lượng tái tạo đã chứng kiến mức đầu tư kỷ lục trong năm 2022, nhưng phương tiện giao thông điện khí hóa lại đang phát triển với tốc độ nhanh hơn. Xe điện chở khách chiếm phần lớn số tiền đầu tư vào giao thông vận tải (380 tỷ USD). Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là năm 2022, tất cả dòng vốn đều chảy vào xe điện chở khách. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng sạc pin công cộng đạt 24 tỷ USD, trong khi gần 23 tỷ USD được chi cho việc phát triển xe điện loại 2 và 3 bánh. Bên cạnh đó, xe buýt điện được đầu tư 15 tỷ USD và cho các loại xe điện thương mại khác như xe tải là 8 tỷ USD.
Ngoài ra, qua theo dõi, BloombergNEF phát hiện sáu lĩnh vực khác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng cũng được đầu tư kỷ lục vào năm ngoái, trừ hạt nhân. Dù là nhỏ nhất để đầu tư, nhưng hai lĩnh vực là thu hồi carbon và hydro cũng đạt thành tích hết sức ấn tượng. Cụ thể: 6,3 tỷ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực thu hồi carbon, tăng gần gấp 3 so với năm 2021 trong khi đầu tư cho hydro tăng hơn 3 lần, lên trên 1 tỷ USD. Trong nửa thập kỷ qua, cả hai công nghệ này đều được kỳ vọng, nhưng chưa tạo ra sức hút, hiện đã được đầu tư mạnh mẽ. Dẫu vậy, chúng vẫn cần phải được quan tâm nhiều hơn.
Trên 1.000 tỷ USD được đầu tư vào lĩnh vực khử carbon rõ ràng là một con số đầy ý nghĩa. Nhưng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo BloombergNEF, thế giới cần phải ngay lập tức tăng gấp ba lần khoản chi 1.100 tỷ USD này và thêm hàng trăm tỷ USD nữa cho lưới điện toàn cầu.
Nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Động lực thúc đẩy
Khử cacbon không phải là chuyện một sớm một chiều, mà là cả một quá trình diễn ra trong nhiều thập kỷ, ngốn một lượng lớn USD. Kể từ năm 2004, thế giới đã đầu tư 6.700 tỷ USD vào việc chuyển đổi năng lượng. Để đạt được mục tiêu đầu tư 1.000 tỷ USD đầu tiên vào chuyển đổi năng lượng, thế giới đã phải mất 8 năm, từ 2004 – 2011, nhưng chỉ mất chưa đầy 4 năm để đạt được 1.000 tỷ USD tiếp theo và chưa đầy một năm để đạt được 1.000 tỷ USD mới nhất. Những khó khăn ban đầu đã vượt qua, giờ là lúc tăng tốc và động lực có thể đến từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Những lo ngại về an ninh năng lượng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine (bắt đầu vào ngày 24/2/2022) đã thúc đẩy các quốc gia ngày càng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, loại nhiên liệu trong năm qua đã chứng kiến sự tăng giá đột biến. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), việc lắp đặt năng lượng tái tạo đang gia tăng mạnh mẽ, với tổng mức tăng trưởng công suất trên toàn thế giới dự kiến sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn phát điện lớn nhất. Cụ thể: Năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 90% lượng điện được phát triển trên toàn cầu trong 5 năm tới.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng năng lượng tái tạo đã mở rộng nhanh chóng, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đẩy chúng vào một giai đoạn mới phi thường với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn khi các quốc gia tìm cách tận dụng lợi ích an ninh năng lượng của mình. “Đây là một ví dụ rõ ràng về việc cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể trở thành một bước ngoặt lịch sử hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn như thế nào. Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo là rất quan trọng để giúp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 °C”, ông Birol nhấn mạnh.
Theo IEA, cuộc xung đột ở Ukraine là thời điểm quyết định đối với năng lượng tái tạo ở châu Âu, nơi các chính phủ và doanh nghiệp đang tìm cách nhanh chóng thay thế khí đốt của Nga bằng các giải pháp thay thế. Ngoài châu Âu, tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo trong 5 năm tới còn được thúc đẩy bởi Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, những nước đang thực hiện các chính sách và đưa ra những cải cách thị trường và quy định nhanh hơn so với kế hoạch trước đó để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo Kế hoạch Phát triển Kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa công suất năng lượng tái tạo mới được bổ sung trên toàn cầu trong giai đoạn 2022 - 2027. Trong khi đó, Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ đã cung cấp hỗ trợ mới và tầm nhìn dài hạn cho việc mở rộng năng lượng tái tạo tại nước này.
Theo Báo Tin Tức