Dạy con đọc sách lúc còn thơ

05/05/2021 - 06:15

 - Trẻ em "xa lạ" với truyện tranh, những quyển truyện mang tính giáo dục đạo đức; thanh, thiếu niên "xa lạ" với những quyển sách tìm hiểu về thế giới xung quanh, các lĩnh vực của cuộc sống, thay vào đó, các em lại xem điện thoại là người bạn thân thiết của mình. Ở một góc độ nào đó, công nghệ mang lại cho các em sự hiểu biết rộng mở nhưng lại "bỏ quên" một thế giới đầy ắp tri thức và những bài học đạo đức sâu sắc.

Một số bạn trẻ tìm mua sách cũ tại hiệu sách của Kim Ngân

Cách đây 20 năm, lúc đó học sinh, sinh viên chỉ biết gắn bó với sách giáo khoa, truyện, tạp chí cũ mà chẳng ai than phiền là chán, không thấy vui. Lang thang trên đường Đinh Tiên Hoàng (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, An Giang), người mê sách có thể tìm thấy một xe đẩy toàn là những quyển sách, truyện hay đã không còn xuất bản.

Khi dạo quanh các nhà sách, như: Thư Quán, Việt Văn, Thanh Kiên, phòng đọc sách người lớn hay trẻ em tại Thư viện tỉnh chứng kiến cảnh đông đúc nhiều người dạo quanh nhà sách, tìm cho mình một quyển sách ưng ý hay đơn giản chỉ là không có tiền mua, đi đọc sách ké. Thấy sự ham học của nhiều em học sinh khó khăn chủ tiệm sách cho đọc sách thoải mái, thậm chí mang về sao chép, sau đó gửi trả lại mà không tốn phí.

Những cảnh tượng đó có thể đã trở thành kỷ niệm, bởi các nhà sách, quầy sách cũ đã vắng bóng, trẻ con ít đi nhà sách đọc truyện hơn, lượng người đến thư viện đọc sách hay tìm nơi yên tĩnh để học bài đã thưa dần, để lại nỗi niềm bâng khuâng cho những người yêu mến văn hóa đọc, sự lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ vì không có người thầy là những trang sách nâng niu tâm hồn, dìu dắt trên con đường trưởng thành của tuổi mới lớn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) rất thích thú mỗi khi chứng kiến một cô bé, cậu bé say sưa cầm quyển truyện tại Nhà sách Fahasa với ánh mắt đam mê đọc không để sót chữ nào. Chị Mai cho biết: “Con, cháu nhà tôi không chịu đọc sách, tôi mua bao nhiêu là sách các cháu cứ hững hờ và cho rằng, đọc chán phèo, mà buông ra thì lại cầm điện thoại, thích xem Clip, thuộc làu các bài hát trên các trang mạng xã hội, như: Facebook, Tik Tok, mà những Video đó nội dung mang tính giáo dục thì ít mà nội dung mang tính giải trí, tạo tình huống hài hước thì nhiều, đôi khi là những quan niệm sống lệch lạc tác động đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Chính vì vậy, tôi đang tập cho các con "quay trở lại" với những quyển truyện, sách mang từng bài học giáo dục, định hướng nhân cách đúng đắn”.

May mắn tìm được một cửa hàng sách cũ giá rẻ tại đường Lê Văn Nhung (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, gần cầu Nguyễn Thái Học) tôi tìm thấy sự trăn trở của cô giáo trẻ Huỳnh Thị Kim Ngân. Ngân là thế hệ đầu của 9X nên còn giữ được thói quen đọc sách từ nhỏ. Từ niềm đam mê với sách, Ngân quyết tâm thực hiện ước mơ của mình khi còn bé đó là mở một tiệm sách để thỏa đam mê đọc sách và truyền cảm hứng đọc sách cho tất cả mọi người. Thấy những phụ huynh đến mua truyện tranh Ngân rất vui mừng vì vẫn còn những đứa trẻ đọc sách, thế nhưng hỏi ra mới biết là phụ huynh mua để đọc giải trí và thỉnh thoảng đọc cho trẻ nghe, chứ trẻ con không chịu đọc.

Trước tình trạng như vậy Ngân càng quyết tâm duy trì công việc mua bán, trao đổi sách cũ hơn để người còn đam mê sách có thể tiếp cận với nguồn sách hơn mà không phải tốn quá nhiều tiền mua. Ngoài việc đẩy mạnh giới thiệu sách cũ, mới trên mạng, giao hàng khách phương xa, Ngân đang ấp ủ ý tưởng tạo không gian cho các em nhỏ không có điều kiện đến tiệm đọc sách miễn phí hoặc bán sách cũ với giá rẻ, thu mua sách đã đọc với giá cao, sưu tầm nhiều loại sách hay, sách cũ, sách mới xuất bản để đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Phải trải qua một thời gian dài khi nhìn vào giới trẻ nhiều người mới nhận ra người trẻ bây giờ không giống như ngày xưa, các em có thể giỏi công nghệ, nắm bắt xu hướng rất tốt nhưng thiếu những phẩm chất đạo đức cơ bản, như: lễ phép, lòng can đảm, sự chính trực, yêu thương, sống chan hòa, có ý chí cầu tiến, thay vào đó là lối sống ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, ngại giao tiếp, thích hưởng thụ, ít phấn đấu. Nhiều phụ huynh chợt nhận ra sự thiếu sót trong cách giáo dục con cái là không nhắc nhở, động viên con đọc sách, một hình thức tuy được xem là cũ kỹ nhưng vẹn nguyên giá trị giáo dục, sự thẩm thấu từng con chữ, bài học nhân cách làm người.

Để xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ cần lắm sự hướng dẫn của phụ huynh cho con em ngay từ khi biết đọc chữ, sự kỷ luật trong sử dụng công nghệ từ phụ huynh mới góp phần giúp người trẻ nuôi dưỡng tâm hồn trong từng trang sách.

NGỌC GIANG