Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý

29/12/2023 - 05:06

 - Bám sát chương trình kế hoạch công tác năm 2023 của Cục Trợ giúp pháp lý và Sở Tư pháp An Giang, từ đầu năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ tới từng viên chức, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng công việc, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, thu hẹp khoảng cách mức sống, trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư.

Đồng thời, bảo đảm công bằng trong tiếp cận pháp lý của người dân vùng đồng bào DTTS, xây dựng mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận, thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng; được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

Trợ giúp viên pháp lý tham gia phiên tòa bào chữa cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý trong vụ án hình sự

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh phối hợp Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề về trợ giúp pháp lý cho hơn 800 lượt người, gồm: Cán bộ khóm, ấp, người có uy tín cao trong cộng đồng dân cư; bà con đồng bào DTTS đang cư trú tại huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên.

Qua đó, nâng cao năng lực nhận thức pháp luật về trợ giúp pháp lý; chia sẻ một số kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người.

Ngoài ra, đơn vị phối hợp phòng tư pháp các địa phương tổ chức 8 chuyên đề về trợ giúp pháp lý, thu hút 400 bà con đồng bào DTTS Khmer (huyện Thoại Sơn, Tri Tôn và TX. Tịnh Biên) tham dự; phát hành 3.000 tài liệu, tờ gấp pháp luật phục vụ công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý. Tại các địa điểm tổ chức, đoàn công tác triển khai chuyên đề xoay quanh chính sách trợ giúp pháp lý đối với đồng bào DTTS, các đối tượng được thụ hưởng trợ giúp pháp lý khác trong một số lĩnh vực pháp luật, cụ thể: Đất đai, hôn nhân và gia đình, hình sự...

Năm 2023, có 130 vụ việc tư vấn pháp luật được thực hiện tại trụ sở, trong đó: Tư vấn pháp luật hình sự 2 vụ việc; pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình và các lĩnh vực pháp luật khác 128 vụ việc. Đặc biệt, phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, trung tâm thụ lý, cử trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký hợp đồng thực hiện cho các đối tượng tại 520 vụ việc; 100% trợ giúp viên thực hiện đạt hiệu quả.

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh An Giang Phan Văn Hùng cho biết: “Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Điều này cho thấy, trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách an sinh xã hội nhận được sự đồng tình ủng hộ của cử tri, cả hệ thống chính trị.

Trợ giúp pháp lý thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, nhằm giúp đỡ đối tượng yếu thế trong xã hội, cụ thể thông qua các vụ việc khi họ đối mặt. Trước những yêu cầu đó, đòi hỏi đội ngũ người làm công tác trợ giúp pháp lý luôn tận tâm phục vụ, nhanh chóng, kịp thời chia sẻ phần nào khó khăn cho họ, là mục đích chính sách trợ giúp pháp lý hướng đến”.

Có thể nói, chính sách trợ giúp pháp lý đã góp phần tích cực giảm bớt khiếu kiện vượt cấp, giữ ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

SONG MINH