Nghị định số 119/2020/NĐ-CP do Chính phủ mới ban hành quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính cũng như hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại TAND TP HCM
Có hiệu lực thi hành từ tháng 12-2020, Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định với mỗi hành vi vi phạm, cá nhân hay tổ chức vi phạm phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Theo đó, cơ quan chức năng xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Tương tự, nghị định đưa ra mức phạt từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Cá nhân, tổ chức chịu mức phạt tiền từ 30-40 triệu đồng nếu có một trong những sai phạm sau: xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Cá nhân, tổ chức có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40-60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý vi phạm, như: buộc cải chính, xin lỗi; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát;…
Theo D LÂM (Người lao động)