Để mùa Tết an toàn

17/01/2022 - 05:13

 - Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng sản phẩm của người dân tăng rất cao. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành nỗi lo canh cánh. Do đó, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết đang là nhiệm vụ chủ yếu, được các ngành chức năng, địa phương quan tâm, kiểm soát chặt chẽ.

Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được các cấp, ngành quan tâm, triển khai với nhiều hình thức. Cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm nỗ lực thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Mặt khác, các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm bị phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe. Đặc biệt là biện pháp công bố lên phương tiện thông tin đại chúng, khiến người tiêu dùng mất lòng tin và quay lưng tẩy chay sản phẩm, cơ sở vi phạm.

Hiện nay, Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần. Sau Tết là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, trong đó có An Giang với nhiều lượt khách tham dự. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở tăng cường sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, thời gian này, thời tiết phía Nam nắng nóng gay gắt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Ảnh: TRUNG HIẾU

Theo chị Lê Thị Mai (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) hiện nay, các loại thực phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán được bày bán rất đa dạng và phong phú. Điều này gây không ít khó khăn cho người tiêu dùng, khi phân vân chọn lựa giữa chất lượng, giá thành. Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình và bản thân, chị Mai chỉ lựa chọn mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, ở những cửa hàng mình tin cậy.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất, nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác với nhiều hoạt động nổi bật.

Theo đó, lực lượng liên ngành đẩy mạnh truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người SXKD và người tiêu dùng về văn bản pháp luật, chỉ đạo của ngành chức năng, công tác quản lý an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đoàn liên ngành còn tuyên truyền quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh; nhắc nhở chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Đồng thời, tuyên truyền mô hình SXKD, sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn; các sản phẩm truyền thống của địa phương, nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản. Đồng thời, tuyên truyền cho người tiêu dùng nắm rõ biện pháp chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm trước, trong và sau Tết...

Các cơ sở sản xuất - kinh doanh ngày càng quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm

Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp kiểm tra từ tỉnh cho đến địa phương. Tại huyện Phú Tân, đoàn kiểm tra tại cơ sở SXKD thực phẩm, dịch vụ ăn uống, nhất là các mặt hàng thực phẩm được dùng nhiều trong dịp Tết. Tại mỗi nơi đến, đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về: Nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nội dung ghi nhãn hàng hóa, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ tự công bố, điều kiện vệ sinh cơ sở...

Đoàn liên ngành còn kiểm tra trang thiết bị, dụng cụ phục vụ SXKD, điều kiện con người... Cùng với đó là các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; test nhanh định tính thực phẩm. Khi nghi ngờ không an toàn thì tiến hành lấy mẫu gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu làm cơ sở xử lý vi phạm. Ngoài kiểm tra, đoàn kết hợp giám sát, hướng dẫn cơ sở SXKD, dịch vụ ăn uống thực hiện nghiêm quy định trong sản xuất và phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, góp phần ngăn ngừa, hạn chế ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Để đón Tết Nguyên đán an toàn và trọn vẹn, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, rất cần tinh thần trách nhiệm của từng cơ sở, cá nhân SXKD thực phẩm. Đừng vì lợi ích cá nhân mà quay lưng với sức khỏe của cộng đồng!

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích