Gần đây, một đoạn bờ rạch Ông Chưởng (xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) xảy ra sạt lở khiến 3 căn nhà người dân bị thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Trước đó, huyện Phú Tân xảy ra sạt lở, làm 3 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng… Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân do đoạn sạt lở nằm ngay khúc cua cong, có dòng chảy áp sát bờ, kết hợp tải trọng trên bờ lớn như nhà, giao thông đường bộ.
Theo Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (BĐKH-PCTT&PTDS) tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 37 vụ mưa, giông làm 293 căn nhà sập, tốc mái (nhiều nhất là huyện Châu Phú 58 căn, Phú Tân 48 căn, Thoại Sơn 42 căn…), thiệt hại trên 5,3 tỷ đồng.
Giông lốc ảnh hưởng nhiều đến nhà cửa, công trình
Mưa, giông còn làm đổ ngã cây ảnh hưởng đến đường dây điện hạ thế; làm đứt đường dây trung thế 1 pha trên địa bàn huyện Châu Phú; biển hiệu, cây xanh bị đổ ngã trên địa bàn TP. Châu Đốc; sập mái che nắng Trường THCS Phú Bình (huyện Phú Tân); tốc mái 5 nhà ghe trên địa bàn huyện An Phú; ngã trụ điện trung thế, hạ thế trên địa bàn huyện Tri Tôn, Thoại Sơn; làm tốc mái hoàn toàn trại làm việc rộng 216m2 tại xã Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn), thiệt hại một số diện tích trồng rau màu, cây ăn trái…
Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh An Giang cùng các cấp, ngành thường xuyên tìm giải pháp; thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời về mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, diễn biến lũ lớn, lũ lên nhanh... trên báo, đài và hệ thống truyền thanh cấp huyện, xã, đảm bảo thông tin đến người dân vùng sâu, vùng xa để chủ động ứng phó.
Những ngày qua, cả nước tập trung ứng phó với bão số 3 (tên quốc tế Yagi), được xem là “siêu bão” có nhiều đặc điểm chưa từng được ghi nhận trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Với sự gia tăng cấp độ nhanh chưa từng có trong lịch sử khí tượng Việt Nam, chỉ trong 48 tiếng, Yagi đã đạt cấp “siêu bão”. Bộ Quốc phòng huy động hơn 425.000 chiến sĩ, hơn 4.000 lượt phương tiện tàu thuyền, máy bay... để ứng phó. Từ Quân khu 1 đến Quân khu 5 quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tập trung cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ứng phó “siêu bão”…
Sạt lở diễn biến phức tạp
Bão và hoàn lưu bão gây ra hình thái thời tiết cực đoan ảnh hưởng hầu khắp cả nước. Thực hiện Công điện 86/CĐ-TTg, ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống mưa, giông lốc, lũ, sạt lở do ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai nhiệm vụ để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Trong đó, cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống phát thanh tăng tần suất, thời lượng phát sóng, cập nhật và đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, hoàn lưu của bão, dự báo, chỉ đạo ứng phó của cơ quan Trung ương, địa phương để cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, chặt mé cây cao, tán rộng trong nội ô TP. Long Xuyên và các đô thị, thị trấn trong tỉnh; ứng trực 24/24 giờ để xử lý tình huống khi có cây đổ ngã. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án đảm bảo cơ sở y tế, giáo dục sẵn sàng đưa vào hoạt động bình thường khi có ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Sở Giao thông vận tải An Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp lực lượng liên quan và các địa phương chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông (đường thủy, đường bộ) khi có tình huống thiên tai, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt theo phân cấp quản lý… Các đơn vị đang thi công công trình có kế hoạch bảo vệ công trình. Đối với công trình chưa hoàn thành hoặc không bảo đảm tiến độ, phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị để kịp thời xử lý khắc phục khi có sự cố xảy ra.
Cùng với đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang tổ chức vận hành đóng, mở hệ thống cống hợp lý, quản lý an toàn hồ đập để bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động huy động lực lượng, phương tiện phối hợp lực lượng địa phương, dân quân cơ động tại chỗ, lực lượng thanh niên xung phong, đoàn thanh niên, hội chữ thập đỏ… xử lý trường hợp cấp bách xảy ra, tham gia cứu hộ, cứu nạn, giữ vững an ninh xã hội.
“Huyện An Phú đã chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn huyện tăng cường phòng, chống mưa, giông lốc, lũ, sạt lở do ảnh hưởng của bão, nhất là hoàn lưu bão số 3. Đặc biệt, thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết nguy hiểm; rà soát phương án, sẵn sàng triển khai biện pháp ứng phó với thời tiết nguy hiểm do ảnh hưởng của mưa, bão, lũ. Có kế hoạch bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị vật tư và phương tiện ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo sẵn sàng khi cần thiết” - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng cho biết.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh An Giang Lương Huy Khanh đề nghị, các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gia cố, chằng chống nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng; cắt tỉa cây xanh, cây to có nguy cơ đổ ngã; kiểm tra biển hiệu, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn nhằm đề phòng mưa, giông lốc gây ảnh hưởng tính mạng và tài sản Nhà nước, Nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch tại các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở…
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 32 vụ sạt lở, sụp lún đất bờ kênh, rạch, ảnh hưởng đến 16 căn nhà ở của người dân sống trong khu vực sạt lở, thiệt hại về đất khoảng 679 triệu đồng.
|
HỮU HUYNH