Để đáp ứng yêu cầu nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS, ngày 13/1/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh thương mại giai đoạn 2023 - 2028. Trong đó, giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung.
Nhiều năm qua, Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác THADS. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ những “rào cản”. Trong đó, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn công tác THADS; một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng về trình tự thủ tục, dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất; một số nội dung cần quy định bổ sung để nâng cao hiệu quả công tác THADS và đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan.
Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4, Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa. Dự thảo nghị định đã bổ sung quy định sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan là dịch bệnh truyền nhiễm do cơ quan có thẩm quyền công bố mà đương sự không thể thực hiện được quyền yêu cầu thi hành án.
Theo bản thuyết minh chi tiết năm 2024 của Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, các cơ quan THADS, cụ thể là thời gian diễn ra dịch COVID-19, thời gian thực hiện các trình tự, thủ tục tổ chức THA, yêu cầu THA của đương sự bị ảnh hưởng, nhưng chưa có quy định về việc không tính vào thời hiệu, thời hạn. Từ đó, nhiều trường hợp đương sự làm đơn yêu cầu THA quá thời hiệu, chấp hành viên chậm tổ chức THA... dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Để dự liệu các tình huống phát sinh khi có dịch bệnh xảy ra, việc hướng dẫn dịch bệnh là một trong những lý do sự kiện bất khả kháng là cần thiết.
Điều này cũng phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 156, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định “sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được, không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết, khả năng cho phép. Còn “trở ngại khách quan” là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ dân sự của mình. Do đó, đề xuất bổ sung trường hợp dịch bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền công bố là trở ngại khách quan mà đương sự không thể thực hiện được quyền yêu cầu thi hành án đúng thời hạn theo quy định là cần thiết, dự liệu được các tình huống tương tự phát sinh.
Khoản 4, Điều 5, Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, Điều 1, Nghị định 33/2020/NĐ-CP, ngày 17/3/2020 của Chính phủ về thỏa thuận thi hành án, việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở của cơ quan THADS. Theo bản thuyết minh chi tiết năm 2024 của Bộ Tư pháp, nội dung thỏa thuận thi hành án theo Nghị định 33/2020/NĐ-CP quy định, hạn chế khi chỉ cho chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận tại trụ sở. Sau 4 năm thực hiện, quy định này không còn phù hợp với thực tiễn, một số trường hợp cụ thể vẫn cần sự chứng kiến của chấp hành viên ngoài trụ sở cơ quan THADS để kết thúc việc thi hành án.
Từ đó, dự thảo nghị định thay đổi với các trường hợp thỏa thuận giao quyền sở hữu, sử dụng, quản lý tài sản; giao quyền nuôi dưỡng người chưa thành niên; giao quyền thăm nom, trông nom, chăm sóc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người không có khả năng lao động, thì chấp hành viên có thể chứng kiến ngoài trụ sở cơ quan THADS. Việc thỏa thuận phải lập văn bản, có chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền cấp xã, hay tổ dân phố nơi chứng kiến thỏa thuận.
Theo ThS. Trần Ngọc Phước - Đoàn Luật sư tỉnh, việc tự nguyện thỏa thuận thực hiện quyền và nghĩa vụ là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, nếu việc thỏa thuận đó không trái pháp luật, trái đạo đức xã hội và hầu như không bị hạn chế về mặt không gian. Việc hạn chế thỏa thuận và đặt định chỉ được thực hiện thỏa thuận tại trụ sở cơ quan THADS là chưa phù hợp. Do đó, dự thảo luật đã mở rộng hơn về không gian thỏa thuận, phù hợp với các quy định của luật khác.
Để bảo đảm hiệu quả hơn của việc thi hành án, không nên hạn chế về phạm vi không gian các bên thực hiện thỏa thuận đối với từng loại việc THADS. Vì theo chính sách pháp luật, khuyến khích đương sự tự do, tự nguyện thỏa thuận giải quyết với nhau. Trong THADS, vấn đề quan trọng nhất là nội dung thỏa thuận của các bên đương sự, chứ không phải là địa điểm diễn ra việc thỏa thuận. Nhà làm luật không nên chú trọng nhiều đến nơi thực hiện thỏa thuận, mà cần quan tâm đến nội dung thỏa thuận và trách nhiệm của các bên trong thực hiện thỏa thuận đó.
N.R (Tổng hợp)