Nghề đan đệm bàn thu hút lao động nữ tham gia
Nghề đan đệm bàng ở thị trấn Ba Chúc có từ khi nào thì không ai nhớ. Theo các vị cao niên vùng Bảy Núi, nghề này xuất hiện đầu tiên ở khu vực Vĩnh Điều - Vĩnh Gia, dần dần lan rộng đến các địa phương khác như: Nhà Bàng, Cô Tô, Núi Tô… và sau cùng tồn tại ở khu vực núi Nước (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn). Nghề này trước đây rất phát triển, song hiện nay hoạt động khá yên ắng, hơn chục hộ gắn bó với nghề, với khoảng vài chục lao động nữ.
Trong cuộc sống hiện đại, khoa học - kỹ thuật ngày càng phổ biến, sáng tạo ra những sản phẩm mới, lạ và đẹp thì đệm bàng vẫn được người dân đan theo phương pháp thủ công, bằng đôi bàn tay và công sức lao động của mình là chính. Một sản phẩm đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào đôi tay khéo léo của người thợ đan. Theo chị Huỳnh Thị Mỏng (khóm 2, thị trấn Ba Chúc), đan đệm bàng không khó, công việc khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay. Do đó, công việc này thu hút chủ yếu là lao động nữ tham gia. Với một chiếc đệm bàn, người thợ phải mất từ 1-2 ngày mới hoàn thành sản phẩm. “Mỗi chiếc đệm bàn có kích thước 1,6m, dài 2m được làm trong 2 ngày. Giá bán mỗi chiếc đệm như vậy khoảng 180.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi chiếc đệm bàng có lợi nhuận từ 70.000 - 100.000 đồng. Tuy nguồn thu nhập mang lại thấp nhưng công việc ổn định, thích hợp cho những người già, phụ nữ đan xen với làm việc nhà, có thể kiếm thêm chút ít thu nhập, góp phần trang trải cuộc sống gia đình” - chị Mỏng cho hay.
Nguyên liệu chính để đan đệm là cỏ bàng, được cung cấp chủ yếu từ tỉnh Kiên Giang. Cỏ bàng sau khi mua về được người thợ phơi qua 3-4 nắng. Sau đó được ép bằng máy, bó thành từng bó rồi bán lại cho người đan. Bình quân mỗi bó có giá từ 17.000 - 20.000 đồng. Hiện nay, đa số người dân đan đệm bàng đều mua bàng đã được ép sẵn, tuy có giá thành cao nhưng nguyên liệu được gia công sẵn, không cần ép, phơi như lúc trước.
Để có thể đan được những chiếc đệm đẹp mắt, tinh tế, sau khi mua nguyên liệu, những người thợ phải lựa lại cho thật kỹ, không được chọn cọng bàng quá to hoặc quá nhuyễn. Tùy theo kích thước của từng cọng bàng mà người thợ cho ra những sản phẩm riêng biệt. Với đệm cọng lớn, đan nhanh hơn, không đẹp nên bán với giá rẻ hơn, chỉ bằng một nửa đệm cọng nhỏ, được sử dụng để phơi lúa. Còn cọng nhỏ được dùng để đan đệm ngủ, túi đựng đồ…
Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ, từ một loài cây mọc hoang, các sản phẩm được làm ra từ cỏ bàng đã gắn bó với nhiều người dân như: đệm nằm, đắp (có chiếc dài đến 1,8m, rộng đến 1,4m), đệm để lót nôi ru trẻ em ngủ… Theo chị Lê Thị Xê (khóm Núi Nước), ngoài các loại đệm cỡ lớn, ngang từ 0,6-1,8m chiều dài 2m, người dân ở đây còn đan thêm các loại đệm ngủ dành cho trẻ em, kích thước 0,6 x 1m. Đây là loại đệm được ưa chuộng nhất hiện nay. Loại đệm này có giá phải chăng, từ 40.000 đồng/tấm nên được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng từ các vựa ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, An Phú… Ngoài ra, một số ít sản phẩm bán tại chỗ cho người dân địa phương và phục vụ du khách tham quan.
Thị trấn Ba Chúc được cho là nơi cuối cùng của tỉnh còn lưu giữ lại nghề đan đệm bàng truyền thống. Để giữ gìn và phát triển nghề, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời, tìm những hướng đi mới để nghề đan đệm bàng không bị mai một.
Do đặc điểm của chất liệu cây bàng là “mát về mùa hè và ấm về mùa đông” nên đệm còn được dùng như chăn đắp cho người nghèo trong mùa lạnh. Bàng cũng là chất vừa hút ẩm lại vừa thoát nước dễ dàng, nên được dùng làm bao bì đựng các mặt hàng nông sản… |
Bài, ảnh: ĐÌNH ĐỨC