Đêm nay và mai, Việt Nam chiêm ngưỡng 'siêu trăng hồng' kỳ ảo

26/04/2021 - 15:33

Điểm cực đại của siêu trăng hồng năm nay rơi vào thời điểm gần trưa ngày 27-4 theo giờ Việt Nam, tuy nhiên bạn vẫn có thể ngắm nó to lớn khác thường vào đêm trước và sau cực đại.

Theo trang Time and Date, định vị tại TP HCM cho thấy thời điểm cực đại - tức khi siêu trăng hồng tròn hoàn toàn - sẽ rơi vào lúc 10 giờ 31 phút sáng ngày 27-4.

Siêu trăng hồng - Ảnh: LIVE SCIENCE

Tất nhiên không thể quan sát được siêu trăng hồng trong thời điểm gần giữa trưa đó. Nhưng đặc điểm của siêu trăng vốn là việc mặt trăng rơi vào điểm gần Trái Đất trên quỹ đạo đúng giai đoạn trăng tròn, do đó nó sẽ đạt được độ to lớn không mấy kém cạnh trong suốt vài ngày, với độ tròn gần tuyệt đối mà mắt thường đôi khi khó phân biệt.

Vì thế, đêm nay 26-4 và đêm mai 27-4 sẽ là những thời điểm thuận lợi cho những muốn chiêm ngưỡng siêu trăng hồng.

Theo NASA, mặt trăng sẽ trông rất tròn suốt 3 ngày quanh thời điểm cực đại. NASA cho biết thuật ngữ "siêu trăng" được đặt ra từ năm 1979 bởi nhà chiêm tinh học Richard Nolle, đề cập đến mặt trăng mới hoặc trăng tròn vô tình nằm gần Trái Đất. Nếu chia khoảng cách giữa mặt trăng và Trái Đất theo thang điểm 1-10 trong quỹ đạo của nó, thì "siêu trăng" xuất hiện khi nó rơi vào khoảng 10% gần Trái Đất nhất. Chúng ta không thể thấy được trăng mới, tức mặt trăng những đêm 30, mùng 1 âm lịch, còn nằm trong vùng tối, vì vậy các siêu trăng tròn trở nên nổi tiếng hơn.

Hoa phlox màu hồng tím, nguồn gốc của cái tên "trăng hồng" - Ảnh: LIVE SCIENCE

Cái tên "siêu trăng hồng" xuất phát từ việc người Mỹ gọi trăng tháng tư là "trăng hồng", chứ mặt trăng này không có màu hồng. Tên "trăng hồng" được lấy theo màu sắc quyến rũ của hoa phlox, nở hoa khắp Bắc Mỹ vào tháng tư. Nếu mong chờ một mặt trăng màu sắc, bạn phải đợi đến trăng tròn tháng 5, cũng là một siêu trăng, xảy ra trùng thời điểm nguyệt thực, nên trở thành "siêu trăng máu".

Theo ANH THƯ (Người lao động)