Đêm văn nghệ ấm lòng

31/05/2022 - 07:48

 - Trần Trọng Thiện (ngụ tổ 1, ấp Long An, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) nửa mừng, nửa trách tôi: “Chị không nhớ em hả? Hôm trước tuyển quân, chị ghé nhà phỏng vấn em đó!”. Tôi sực nhớ cậu thanh niên có nụ cười tỏa nắng trong căn nhà xiêu vẹo mấy tháng trước. Lần gặp lại này, Thiện có thêm chuyện vui để chia sẻ với tôi.

Hôm chúng tôi đến, Tết vẫn còn lưu luyến sắc mai dọc đường. Trong căn nhà lụp xụp, thiếu vật dụng mà thừa tối tăm, gia đình Thiện lúng túng, chẳng biết mời khách ngồi đâu. Cuối cùng, chúng tôi chọn ngồi trước hiên, mặc ánh nắng ban trưa chiếu rát lưng, để bớt phần nào ngại ngùng cho gia đình. Chậu hoa cúc (chúng tôi “mượn” của nhà kế bên đem về) làm vơi thêm lúng túng cảnh “cận nghèo” của họ.

Trong không gian ấy, chúng tôi lắng nghe tâm sự của Thiện trước ngày lên đường nhập ngũ. Ngoài tâm trạng háo hức của người yêu thích môi trường quân đội, hành trang của Thiện còn chất chứa nỗi lo chuyện nhà. Thiện đi rồi, người cha 65 tuổi vẫn phải lao động chân tay sớm hôm, gồng gánh trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ. Thiếu vắng sự đỡ đần của “độc đinh”, việc quán xuyến nhà cửa đè nặng lên 2 chị gái - dù họ đã có gia đình riêng. Nhưng, Thiện vẫn khẳng định: “Tôi nghĩ, hoàn cảnh gia đình khó khăn hay khá giả, thi hành nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của thanh niên, không thể lấy lý do trốn tránh”.

Trao hoa cho các tổ chức, cá nhân hỗ trợ chương trình

3 tháng sau, ông Trần Văn Phước (cha Thiện) được mời đến nơi Thiện thi hành nghĩa vụ quân sự là Trung đoàn Bộ binh 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) để dự một chương trình văn nghệ, rồi lên “nhận quà”. “Mặc dù nghèo, tôi dứt khoát cho con đi nghĩa vụ quân sự. Tôi đã dự liệu trong 2 năm con vắng mặt, chuyện nhà cứ để gia đình lo toan. Mới mấy tháng, bỗng dưng được mời đến trung đoàn, tôi hơi lo lắng, không biết con mình có chuyện gì? Nào ngờ, tôi được nhận món quà là căn nhà “Mái ấm hậu phương”. Tôi mừng hết sức, nào giờ có từng được nhận quà quý như vậy đâu” - ông Phước cười thật tươi.

Đây không phải lần đầu tiên ông cất nhà. Mấy mươi năm qua, theo lời ông, gia đình “cất” nhiều nhà lắm! Mà toàn là nhà lá, nhà tạm bợ, chẳng đủ sức che chở yên bình cho họ. Ngược lại, họ phải thường xuyên chống đỡ cho nhà đừng sập. Chống đỡ mãi, cũng có lúc chạnh lòng, xót xa. Giờ, họ được tạo điều kiện cất nhà khang trang, hỏi sao không vui! Trong tiếng nhạc vang vọng, Thiện bày tỏ: “Gia đình khó khăn, được thủ trưởng, đồng đội quan tâm, đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh, tôi cảm thấy xúc động vô cùng. Hôm nay, tôi vừa xem văn nghệ, vừa được nhìn thấy cha lên sân khấu nhận bảng tượng trưng “Mái ấm hậu phương”. Ở ngoài quân ngũ, có nhiều chương trình văn nghệ, nhưng ở đây tôi cảm nhận được sự ấm lòng, yêu thương. Rất nhiều người quan tâm, ủng hộ chúng tôi!”.

Cũng trong tâm trạng “không thể tin nổi”, bà Nguyễn Thị Thu (ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, mẹ của quân nhân Liêu Quốc Thắng) kể tóm tắt đời mình bằng ít câu: Bà sống đắp đổi qua ngày bằng nghề mua ve chai. Chồng lớn tuổi, bà không mong ông làm ra tiền, chỉ cầu đừng bệnh tật là quý rồi. Nhưng trời chưa chiều lòng người. Mùa mưa, nước tràn vào nhà, đẩy cả gia đình bà trôi dạt sang bên kia sông, ở đậu đất người khác. Người ta cho ở, mà dặn “Nước giựt, bà về bển ở nghen!”. Chua chát, buồn tủi… gom vào những giọt nước mắt ban đêm của bà.

Một hôm, xế chiều bà mới về tới, nghe nói “đi ra đơn vị của Thắng nhận quà”, bà khấp khởi mừng, chủ yếu là được thăm con. Ai dè, đơn vị của con tặng bà 1 căn nhà! Bà chia sẻ niềm vui với chúng tôi bằng những nhẩm tính: “Lần này chắc tôi cất sửa nhà để ở lâu dài, tụi nhỏ tới tuổi thì cưới vợ cho nó… Làm móng, đổ đà, lót gạch, dựng nhà cây đơn sơ là ở được rồi, tôi không dám nghĩ đến cất nhà cầu kỳ hơn. Cám ơn những tấm lòng đã hỗ trợ nhà cho chúng tôi! Tôi dặn con hoài, ráng đi bộ đội, lo việc nước, việc dân, nhưng không nghĩ sẽ được lo lại như thế này!”.

Những món quà ấy được trao tặng trong đêm văn nghệ gây Quỹ Ấm tình hậu phương giữa tháng 5. Ý tưởng thực hiện hoạt động bắt nguồn từ việc, hàng năm Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 892 được giao nhiệm vụ tiếp nhận, huấn luyện chiến sĩ mới. Trong số thanh niên tham gia xây dựng quân đội, nhiều đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần chung tay chia sẻ, giúp đỡ để gia đình có một phần vốn làm ăn, buôn bán nhỏ cải thiện mức sống, giúp các chiến sĩ mới an tâm công tác.

“Phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, những năm qua, chương trình văn nghệ “Ấm tình hậu phương” của Trung đoàn luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cấp ủy Đảng, cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương, doanh nghiệp và nhà hảo tâm trong và ngoài nơi đơn vị đóng quân. Năm nay, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến cuộc sống, quá trình sản xuất - kinh doanh của nhiều tổ chức, cá nhân, nhưng đơn vị vẫn tiếp nhận gần 220 triệu đồng tiền mặt, 5 căn nhà (30 triệu đồng/căn, do Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo tặng). Những đóng góp này là sự động viên, là động lực lớn lao với người lính và gia đình khi công tác xa nhà. Các đồng chí cảm thấy mình phải hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ Đảng, nhà nước, quân đội giao cho” - trung tá Lê Văn Sáng (Chính ủy Trung đoàn 892) khẳng định.

Với mô hình này, mỗi năm có nhiều quân nhân xuất ngũ trở về căn nhà lúc họ rời đi. Thay vào đó là nhà mới khang trang, tươm tất, tràn đầy tình cảm đồng chí, đồng đội, tình quân - dân, tình người…

Trong 6 năm (2016-2021), Trung đoàn 892 tổ chức vận động hơn 1 tỷ đồng, hỗ trợ cho 122 gia đình chiến sĩ mới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng mới và sửa chữa 10 căn nhà “Mái ấm hậu phương”. Nhờ vậy, góp phần chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, củng cố hậu phương vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ.

GIA KHÁNH