Gần đây, hóa cùng xu thế đơn giản hóa lễ hội, lễ hội Chol Chnam Thmay chỉ còn 3 ngày chính thức. Nhưng mọi công việc chuẩn bị diễn ra nhiều ngày trước đó.
Tại chùa Ba Thieth (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), những người thợ tỉ mẩn trang trí chiếc bảng to giữa chùa, gồm 33 chữ cái (nguyên âm) và 27 dấu (phụ âm).
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, tháng 4 là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Việc tổ chức Tết Chol Chnam Thmay xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau, để có thể bắt đầu mùa vụ mới. Thời điểm cỏ cây trở lại tươi tốt, thiên nhiên trỗi dậy sức sống, tức là năm mới đã bắt đầu.
Người dân chú tâm trang trí, quét dọn, sửa sang nhà cửa, các chùa Khmer được trang hoàng sinh động với đủ loại hoa, trái cây đặc trưng của vùng Bảy Núi. Bánh tét cũng được “góp mặt” trong các loại bánh trái ngày Tết, mang theo lời nguyện cầu no đủ, sung túc.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm, là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy, tất cả lễ hội đều tập trung tại chùa, đặc biệt là lễ đón Tết Chol Chnam Thmay.
Đám trẻ con được nghỉ học, gần như “túc trực” tại chùa gần nhà, tham gia đủ hoạt động vui chơi cùng nhau.
Ấn tượng nhất là khung cảnh ồn ã té nước, chọi bột vào nhau thay cho lời chúc mừng năm mới. Càng ướt, càng lấm lem bao nhiêu, thì mọi người càng vui vẻ, tin tưởng vào niềm may mắn nhận được bấy nhiêu.
Kim Sang (7 tuổi, giữa) mang trong mình dòng máu Kinh – Khmer. Những ngày được nghỉ Tết, cô bé cùng bạn bè “tranh thủ” đến chùa Sre Bưng thật sớm, bày bán các loại thức uống, bột phục vụ nhu cầu vui chơi của mọi người.
Đội chiếu phim lưu động của tỉnh tất bật những chuyến công tác đến chùa Khmer nhiều nơi, góp thêm chút không khí sôi nổi cho ngày Tết Chol Chnam Thmay.
Tết này, bà con dân tộc thiểu số Khmer xã Ô Lâm được xem vở diễn Dì Kê “Bài học đắt giá”, được trình chiếu tại chùa Sre Bưng. Dù bận rộn chuẩn bị các lễ cúng trong năm mới, nhưng bà con vẫn thích thú dành thời gian cho vở diễn.
Ô Lâm là nơi ghi dấu, cái nôi của nghệ thuật sân khấu Dì Kê - loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số Khmer An Giang. Loại hình này vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.
Bất cứ ai đến chùa cũng bày tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang đồ ăn thức uống đến cho các sư sãi. Đáp lại, nhà sư, à cha sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống ấm no, đầy đủ…
GIA KHÁNH