Lăng Thoại Ngọc Hầu đối diện Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lưng tựa vào vách đá núi Sam - nơi đích thân Thoại Ngọc Hầu đứng ra chỉ huy xây dựng nhiều công trình trong thế kỷ XIX.
Mặt tiền của Sơn Lăng là khuôn viên rộng, bằng phẳng, bố trí tiểu đình để ngựa và người lính hầu. Người dân địa phương thường gọi vui, đây là tượng “ông Tư giữ ngựa”.
Trong lăng có tấm binh cổ, được đặt trang trọng chính giữa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là bia Vĩnh Tế Sơn, được dựng lên năm 1828 (4 năm sau khi đào xong kênh Vĩnh Tế).
Bia cao hơn đầu người, bằng đá sa thạch, khắc 730 chữ Hán, chép việc lập làng mở ruộng, chiêu tập dân cư, ghi rõ tấm lòng tri ân sâu xa của bề tôi Nguyễn Văn Thoại được vua xét tới công khó.
Do ảnh hưởng bởi nước lũ, chiến tranh bom đạn tàn phá, nét chữ văn bia hiện đã mờ phai. Theo Hội Lịch sử tỉnh An Giang, lúc ấy còn bản diễn dịch nội dung văn bia sang chữ quốc ngữ của tú tài Trần Thới Hanh, được ông Nguyễn Văn Hầu - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam bộ - tìm được, lưu giữ cẩn trọng.
Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê ở Quảng Nam, theo chân gia đình đến định cư ở tỉnh Vĩnh Long. Về sau, ông được triều Nguyễn cử đi khai mở, trấn giữ vùng đất An Giang. Ông là danh tướng lẫy lừng, cống hiến suốt đời mình cho việc mở mang và phát triển bờ cõi, giữ vững bình yên cho vùng đất Tây Nam Bộ.
Theo tư liệu lịch sử về Thoại Ngọc Hầu, ông đã cho xây dựng lăng từ khi còn sống, bởi vợ thứ và vợ chính đều được ông cho chôn cất lần lượt phía trái và phía phải mộ của ông sau này.
Hiện nay, du khách vẫn sẽ thấy, giữa khuôn viên lăng là mộ ông Thoại Ngọc Hầu, bên phải là mộ của chính thất Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế. Bên trái là ngôi mộ khiêm nhường hơn của bà thứ thất Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt.
Tên danh thần Thoại Ngọc Hầu được triều đình lấy đặt cho tên núi, tên sông ở An Giang. Các công trình lớn ông để lại cho đời sau: Đắp lộ núi Sam – Châu Đốc dài 5km; đào kinh Thoại Hà dài hơn 30km ở Núi Sập (huyện Thoại Sơn); kinh Vĩnh Tế dài theo biên giới Tây Nam, nối liền Châu Đốc – Hà Tiên, nối lưu thông sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan dài hơn 90km.
Trong đền thờ đặt bài vị của danh thần Thoại Ngọc Hầu và 2 phu nhân, cùng với liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế... luôn nghi ngút hương khói của người dân, du khách, thể hiện lòng biết ơn với bậc tiền nhân vì dân vì nước.
Hàng ngày, đông đảo du khách xa gần đến viếng Lăng Thoại Ngọc Hầu, trong quá trình tham quan chuỗi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tại thành phố lễ hội Châu Đốc. Đặc biệt, khi địa phương đang tổ chức hàng loạt hoạt động lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2023.
Lặn lội đường xa từ tỉnh Bạc Liêu đến đây, ông Trang Siêu Quang thành kính thắp nén nhang, cầu mong ông Thoại Ngọc Hầu phù hộ độ trì cuộc sống ấm êm, mưa thuận gió hòa.
“Đến Châu Đốc, nhất định tôi phải ghé lại Lăng để thắp nhang tưởng nhớ ông. Không mất bao nhiêu thời gian, mà còn có dịp bày tỏ chút tấm lòng với người xưa” – ông Quang chia sẻ.
Cũng trong khuôn viên lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, người đời sau xây dựng Nhà trưng bày hiện vật cổ quý hiếm.
Bộ sưu tập gồm đồ vật của ông Thoại Ngọc Hầu và chính thất sử dụng trong dịp lễ triều, vật sử dụng hàng ngày rất phong phú, xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, thậm chí Châu Âu.
Điển hình như chiếc thau (chậu) bằng đồng, có xuất xứ nội địa này. Sau hàng trăm năm, đồ vật vẫn còn rất mới, chỉ có vài chỗ hoen gỉ.
Bình trà có nắp này làm bằng gốm men nhiều màu, xuất xứ Châu Âu, niên đại cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Chiếc tô này cũng làm bằng gốm men, nhưng lại được sản xuất ở Thái Lan vào đầu thế kỷ XIX.
Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, nhiều hiện vật được xác định là của vua Gia Long - Minh Mạng ban tặng cho ông bà, có giá trị cao về lịch sử văn hóa, thẩm mỹ, khắc họa rõ nét sinh hoạt của tầng lớp quan lại cao cấp thời kỳ đầu triều Nguyễn tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, góp phần bổ sung nhận thức về cổ vật thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn.
VẠN LỘC