Khoảng sân nhỏ yên tĩnh của Trường Tiểu học Phú Lộc (xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) bị đánh thức bởi tiếng cười nói hồn nhiên và bước chân đuổi bắt nhau, nô đùa, quấn quýt của các em học sinh sau những ngày xa cách. Dõi theo những bước chạy nhỏ nhắn của các em mà lòng thầy, cô không khỏi băn khoăn, vì biết rằng có em vừa đến trường trên chiếc xuồng chòng chành của cha.
Theo giáo viên của trường, lũ năm nay lên nhanh, mực nước đã lên 4,4m. Và theo kinh nghiệm của họ, cũng như dự báo thời tiết thì lũ sẽ tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới, đó là nỗi lo lớn nhất của các thầy, cô giáo ở nơi đầu nguồn này. Bởi, phần nhiều học sinh đều có nhà cặp bờ Tây (xã Phú Hữu và xã Vĩnh Lộc, An Phú) bị ảnh hưởng khi lũ lên cao.
Dĩ nhiên, đường đến trường tìm con chữ của các em thuộc vùng này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu không có giải pháp an toàn nhất. Vào mùa khô, những học sinh này đến trường khá dễ dàng vì nhà chỉ cách trường học 1 con kênh thông với nhau bằng những nhịp cầu.
Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lộc cho biết: “Địa bàn Phú Lộc giáp với 2 xã Phú Hữu và Vĩnh Lộc (An Phú). Trước đây, một phần hai xã này đều thuộc TX. Tân Châu nhưng do phân chia địa giới hành chính nên có sự thay đổi như ngày nay. Song, hầu hết học sinh thuộc khu vực bờ Tây của 2 xã trên đều học ở Trường Tiểu học Phú Lộc, vì gần nhà.
Trước tình hình nước lũ như hiện nay, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phối hợp 2 địa phương để có phương án đưa rước học sinh, đặc biệt là học sinh mẫu giáo và tiểu học. Phía nhà trường đã rà soát, lên danh sách những em nhà ở xã Phú Hữu và Vĩnh Lộc (cấp I), đang đến trường bằng phương tiện xuồng để có hướng hỗ trợ kịp thời. Hiện, con số chúng tôi vừa cập nhật được là 201 em, trong đó hơn 100 em đang được phụ huynh đưa rước bằng xuồng. Con số ấy là điều chúng tôi quan ngại nhất hiện nay.
Qua thống kê, hầu như các em đều không biết bơi, nếu biết cũng chỉ mới chập chững. Nhìn các em ngồi chênh vênh trên xuồng giữa mênh mông sông nước, chúng tôi không khỏi phập phồng. Trước mắt, nhà trường sẽ hỗ trợ bằng cách cho các em mượn dụng cụ nổi và hướng dẫn cách sử dụng để bảo vệ bản thân khi gặp sự cố”.
Dẫn chúng tôi đi thực địa bờ Tây, thầy Thành lắc đầu chua xót. Chỉ cách nhau 1 con kênh mà cảnh vật 2 bên khác hẳn. Nếu bờ Đông (xã Phú Lộc) náo nhiệt bao nhiêu thì bờ Tây lại khá ảm đạm vì “nước lũ dâng cao”. Theo quan sát, dường như những nhà sàn của bà con đều đã lé đé nước ngang đầu gối. Có nhà còn “sáng tạo” bằng cách tự bắc những chiếc cầu khỉ ngay lối lên xuống để không bị ướt mình. Nhưng làm sao tránh khỏi khi bốn bề đều là ”nước với nước”.
“Chúng tôi chưa bao giờ phân biệt học sinh xã mình hay xã khác, vì các em đều đang học dưới mái trường của mình. Ngay từ những ngày đầu trở lại trường, tôi đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp phải đặc biệt quan tâm đến học sinh nhà ở bờ Tây. Đó là mời phụ huynh các em đến tuyên truyền để họ không chủ quan và không để con em tự đến trường. Đồng thời, cho phụ huynh ký cam kết phải đưa, rước con em đến trường hàng ngày, vắng buổi nào, thầy cô phải nhanh chóng tìm hiểu tình hình và có hướng giúp đỡ ngay” - thầy Thành chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Lê Văn Dũng cho hay: “Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp liên tịch 3 xã: Phú Lộc, Phú Hữu, Vĩnh Lộc để bàn giải pháp đến trường của học sinh mùa lũ. Theo đó, chúng tôi sẽ cung cấp danh sách các em học sinh thuộc xã bạn để họ tiện theo dõi. Các địa phương hứa sẽ hỗ trợ người, phương tiện đưa đón học sinh vùng lũ đến trường an toàn. Chúng tôi sẽ tổ chức đưa, đón các em dựa vào lực lượng đoàn thể, thanh niên hiện có. Kết hợp với biện pháp tuyên truyền cho phụ huynh, chúng tôi hy vọng tất cả các em đều được đến trường an toàn trong mùa lũ”.
PHƯƠNG LAN