Dẻo thơm hạt nếp Phú Tân

11/02/2021 - 06:38

 - Phú Tân (An Giang) tự hào là vùng chuyên canh sản xuất đặc sản nếp của tỉnh và đã lan tỏa thương hiệu đến nhiều tỉnh trên cả nước. Với 90% diện tích gieo trồng của huyện, hiện sản lượng nếp Phú Tân được xem là đứng đầu cả nước và bằng khoảng ½ sản lượng nếp xuất khẩu của Thái Lan.

Cây nếp đặc sản ở huyện Phú Tân

Chuyện về “hạt ngọc đặc sản”

Cánh đồng Phú Tân được bao bọc bởi 3 con sông lớn là sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao – đặc điểm này không nơi nào có được. Nhờ lượng phù sa bồi đắp hàng năm sau mùa nước nổi mà đất ruộng tốt như đất bãi bồi, giúp cây trồng xanh tốt, chất lượng. Huyện Phú Tân nhờ có công trình kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao nên khá thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ và luôn đủ nước tưới. Bà con nông dân nơi đây chăm chỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất, năng động đưa khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng.

Hầu hết lúa nếp được sản xuất theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và đang nhân rộng quy trình “1 phải, 5 giảm”, xử lý các loại bệnh và chăm sóc trong suốt quá trình sinh trưởng đáp ứng yêu cầu an toàn, sạch, chất lượng. Chuyện độc canh cây lúa đã lùi vào dĩ vãng từ hơn 10 năm trước. Dựa vào cây nếp đặc sản, nông dân Phú Tân tuy chưa giàu nhưng cuộc sống ngày càng cải thiện. Đó là một kết quả lạc quan !

Đặc sản nếp chủ yếu ở Phú Tân là giống CK92, CK2003, NK1, NK2… Trong đó giống nếp được nhắc đến nhiều nhất là CK92 do kỹ sư Nguyễn Thuần Khiết lai tạo thành công vào năm 1992 tại huyện Chợ Mới (nơi ông đang công tác lúc ấy). CK92 lai tạo từ giống nếp CK89 có đặc tính dẻo, thơm, lá xanh, bông chi chít, hạt khít đeo thành đùm, còn gọi là nếp đùm + lúa IR50404 có khả năng kháng rầy, năng suất cao.

Do hình dáng, màu sắc và phẩm chất tuyệt hảo, dễ trồng, dễ bán và có thể nói bao giờ nếp cũng có giá cao hơn lúa, nên nông dân Phú Tân mạnh dạn chọn sản xuất nếp đại trà. Nếp tươi sau thu hoạch sẽ được sấy khô càng sớm càng tốt (không để qua đêm khiến hạt bị vàng), trong điều kiện có gió, nhiệt độ từ 40 độ trở lại nhằm đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếp sấy xong kiểm tra hạt mẫu sau tách vỏ có tỷ lệ  “7 đục, 3 trong”  là đạt chuẩn để đem xay thành phẩm.

Những món ngon từ nếp

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp cảm nhận:  “Tuy có nhiều giống nếp, nhưng có thể nói tất cả  “rất đồng bộ” cả 3 mặt: năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Về đặc điểm, hạt nếp Phú Tân không khác mấy so các loại nếp khác, tức cũng đục, đẹp, dẻo và đặc biệt là ngát hương, bởi đây là “nếp rặt”, đất ruộng bà con nông dân ở Phú Tân đều trồng toàn nếp nên không “lộn lúa” - nếp lộn ăn rất vô duyên”. Ngay trên quê hương mình, người dân Phú Tân muốn chế biến những món ăn từ nếp rất thuận tiện, không phải tìm kiếm đâu xa. Bánh phồng là món đầu tiên phải kể đến và trở thành thương hiệu làng nghề ở thị trấn Phú Mỹ.

Ông Trần Văn Xuân, đại diện làng nghề cho biết, duy trì qua nhiều thế hệ, người dân vẫn chọn nguyên liệu chính làm bánh là nếp CK92. Ngày Tết, tiếng quết bánh phồng nhịp nhàng thâu đêm đến sáng, nhà nhà phơi bánh trắng xóa một vùng, không khí rất xôm tụ. Len lỏi giữa những lớp nhà, nhịp sống hổi hả như chậm lại khi phát hiện hương thơm phảng phất của bánh phồng mới nướng giòn phao, quyện mùi nếp ngọt lịm với sữa, đậu… gợi cảm giác thèm được quây quần bên gia đình. Bánh phồng luôn được ưu ái một góc trên bàn gia tiên ngày rước ông bà, ngoài ăn chơi còn gói xôi và chế biến nhiều loại khác như: bánh đường, bánh mè, bánh sữa… có thể ăn liền không cần nướng.

Những món bánh chế biến từ nguyên liệu nếp đặc sản

Nếp còn là nguyên liệu của nhiều món bánh ngon gắn liền với đời sống của người dân, từ thường nhật đến dịp quan trọng như: cưới hỏi, đám giỗ, thôi nôi, rằm, cúng đình, miếu, ngày Tết… Có thể kể đến là cơm nếp, xôi, cơm rượu, bánh ít, bánh ít trần, bánh ú, bánh cấp (bánh cúng), bánh tét. Cơm nếp là món đơn giản nhất, mùi thơm hấp dẫn, khi ăn rắc thêm dừa nạo và đậu phộng rang đâm ba sồn, ngon khó tả! Đối với xôi, dựa theo sự kết hợp với nguyên liệu mà có tên gọi khác nhau, phổ biến là: xôi dừa, xôi bánh kẹp, xôi vị, xôi lá cẩm, xôi lá dứa, xôi mặn, xôi gà.

Còn bánh ít, ở “xứ nếp” có 2 cách làm: bánh ít làm bằng bột nếp và bánh ít nếp nguyên hạt. Bánh ít nếp nguyên hạt trước khi gói được ngâm, nhuộm màu lá cẩm hoặc lá bồ ngót, tạo màu rất bắt mắt. Với bánh tét, từ sự khéo tay của các bà, các mẹ, thân bánh tròn, đầu vuông cùng một số nhân quen thuộc giờ đã được sáng tạo đẹp hơn, hấp dẫn hơn với phần nếp có màu, nhân phong phú và tạo hình đa dạng. Gói bánh tét rất cực và công đoạn nấu mất nhiều thời gian, vậy mà nhà nào cũng hăng hái để có món “bánh Tết” đón năm mới.

Qua nhiều đời, hạt nếp gắn bó với người dân cùng những giai đoạn thăng trầm, hễ nhắc tới Phú Tân thì người ta hiểu ngay đó là  “xứ nếp”.   “Hạt ngọc đặc sản” vẫn là cây kinh tế chủ lực, khẳng định giá trị riêng và trở thành niềm tự hào của bà con xứ cù lao.

MỸ HẠNH