Dệt tâm tình bằng uzu

19/11/2023 - 14:15

 - Hàng chục năm trước, uzu chỉ là loại cây sinh sống ở Vương quốc Campuchia. Tình cờ, chúng được nhập khẩu vào Việt Nam, tạo thành sản phẩm đặc trưng cho vùng đầu nguồn biên giới Tân Châu (tỉnh An Giang).

Đây là một mảnh chiếu được dệt bằng uzu. Khi thị trường hàng hóa chưa phát triển, chưa có nhiều kênh mua bán đa dạng như hiện nay, chiếu uzu đã rất đắt hàng, sản xuất bao nhiêu cũng không đủ bán. Có người phương xa, tìm gặp chiếu uzu trong hội chợ, cứ ôm chiếc chiếu trong tay, vuốt ve: “Chiếu gì mà đẹp dữ vậy nè!”.

Người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm làm từ uzu cũng có nguyên nhân của nó. So sánh hai sản phẩm giống hệt nhau, nhưng uzu (bìa trái) mang đến sợi tròn, bóng mướt ngón tay, có độ bền hơn hẳn. Dĩ nhiên, giá đầu vào và đầu ra của uzu cũng mắc gấp đôi so với lát, mây, bàng…       

Uzu khan hiếm dần, giá ngày càng đội lên, người sản xuất chuyển hướng sang nhiều nguyên liệu tương tự. Riêng cơ sở Tân Phú Hưng (thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang) vẫn giữ nguyên kỹ thuật dệt chiếu uzu vào tất cả sản phẩm của mình. Từng sợi mây, lát được chọn thật kỹ, bỏ bông (hoa văn) thật đẹp, thật đều, chính xác, sắc sảo.

Ngày ngày, cơ sở vẫn đỏ lửa cho nồi nhuộm lớn, vẫn vang tiếng máy dệt rộn ràng.

Sau khâu nhuộm màu, phơi nắng, rồi mới đến công đoạn dệt, xông khói, tiếp tục phơi, vệ sinh sạch sẽ. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, cần đôi bàn tay người thợ lành nghề. Sắc màu của chiếu in hằn trên đôi tay ấy ngày này tháng nọ, đổi lại bằng tiếng tăm vang dội của làng nghề.

Đại dịch COVID-19 khiến việc xuất khẩu chiếu uzu gặp khó khăn. Không nản lòng, cơ sở đẩy mạnh thị trường nội địa, doanh thu vài trăm triệu đồng/tháng.

Bà Lê Thị Phương Thảo (46 tuổi, chủ cơ sở Tân Phú Hưng) say sưa nói về mẫu mã, hoa văn của hàng chục loại chiếu. Không dừng lại ở chiếu truyền thống, gia đình bà sáng tạo ra loại chiếu xếp uzu đầu tiên trong cả nước. Rồi lại có chiếu du lịch, chiếu nệm… đủ kích cỡ, màu sắc, giá tiền.

Cha mẹ xây dựng cơ sở chiếu uzu Tân Châu Long (TX. Tân Châu), bà Thảo tiếp cận với nghề từ lúc trẻ. Lập gia đình về huyện An Phú, ổn định với công việc giáo viên, nhưng đam mê nghề truyền thống thôi thúc bà chuyển hẳn sang bận rộn với uzu.

 “Nghề dệt cực lắm, rất cần đam mê, sáng tạo, có khiếu thẩm mỹ. Chưa từng được học nghề bài bản, nhưng tôi cảm thấy mình phù hợp với công việc này. Để gìn giữ nghề của gia đình, tôi sản xuất thêm nhiều hàng thủ công mỹ nghệ: Dép, túi xách, nón… Càng đa dạng hàng hóa, việc kinh doanh càng thuận lợi hơn. Phải động não, thay đổi thường xuyên mới đáp ứng nhu cầu khách hàng” – bà Thảo chia sẻ.

Những chiếc túi pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, giữa lạ và quen giữa cứng cáp và mềm mại… minh chứng cho nhiệt huyết, óc sáng tạo, luôn luôn đổi mới của cơ sở.

Nghề dệt còn mang đến việc làm, thu nhập ổn định (từ 3 – 5 triệu đồng/tháng/người) cho phụ nữ nông thôn. Bà Huỳnh Thị Thủy (42 tuổi) bỏ việc làm thuê ở xa, tham gia vào xưởng may gia công của cơ sở Tân Phú Hưng. Bà chia sẻ: “Làm hơn 1 năm, tôi có thể gia công bất kỳ sản phẩm nào theo yêu cầu của chị Thảo. Vừa được làm gần nhà, tiền lương đủ sống, tôi không mong gì hơn”.

GIA KHÁNH