Đi chợ “lạ mà quen”

07/11/2019 - 08:08

 - Tình cờ, tôi được một người bạn đưa đi “Chợ Campuchia” trong dịp ghé TP. Hồ Chí Minh. Thật ra, người quê An Giang như tôi đã quá quen thuộc với các món ẩm thực theo phong cách đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, vì cùng sinh sống với họ và An Giang có đường biên giới dài gần 100km giáp Campuchia. Nhưng ngôi chợ hôm ấy vẫn níu chân tôi tham quan cho bằng được. Chợ nằm gọn trong hẻm 374, 382 Lê Hồng Phong - Hồ Thị Kỷ (phường 1, quận 10, TP. Hồ Chí Minh), vừa quen vừa lạ, trộn lẫn đủ phong vị cuộc sống.

Đi chợ “lạ mà quen”

Chè Campuchia béo ngậy  

Đi chợ “lạ mà quen”

Đi chợ “lạ mà quen”

Một góc “Chợ Campuchia”

Lý giải tên “Chợ Campuchia”, một số tiểu thương nơi đây cho biết, vào những năm 1970, nhiều người dân Campuchia sang Việt Nam sinh sống. Dần dần, họ lập nghiệp, kinh doanh các loại hàng hóa của Campuchia, ổn định đến hôm nay. Thấy việc làm ăn phát đạt, nhiều người Việt cũng kinh doanh theo, nhưng bán món khác. Thành thử, cái chợ nói to không to, nhỏ không nhỏ, hàng quán nối liền từ hẻm này sang hẻm khác, đi chưa kịp mỏi chân đã có thể dạo hết một vòng. Mỗi con hẻm còn trống chỗ cho 1 chiếc xe môtô và 2-3 người đi bộ cùng lúc, nhưng hễ có xe chạy ngược chiều là “mạnh ai nấy né” mới có thể qua được. Kể ra thì kiểu chợ này quá quen thuộc với người dân xứ mình, dù cái tên có khác nhau thế nào đi nữa.

Thường thường, mọi người chọn hàng khô Tư Xê làm “điểm mốc” để bắt đầu quá trình tham quan khu chợ. Đơn giản là vì hàng khô nằm ngay ngã ba, tồn tại ngót nghét nửa thế kỷ, bảng hiệu to nổi bật, lại trưng bày rất nhiều loại khô đặc sản của Campuchia. Nơi đây chuyên bán khô cá lóc, cá sấy, khô sặc, tôm khô và các loại mắm, đặc biệt nhất là cá tra Biển Hồ (Campuchia). Loại nào nhìn cũng bắt mắt, được gói hoặc ép chân không kỹ lưỡng, màu sắc tươi mới. Chị Ngô Thị Xinh (người Việt gốc Campuchia, chủ gian hàng Tư Xê) cho biết, khách hỏi mua nhiều nhất là cá tra Biển Hồ, giá chỉ 280.000 đồng/kg. Mua xong, đem về bỏ vào ngăn đông tủ lạnh, khi cần thì rã đông rồi chế biến, bảo đảm “không bắt cơm không lấy tiền”. Ngoài ra, khô cá lóc cũng rất được ưa chuộng, dù giá không hề rẻ: 400.000 đồng (loại 3-4 con/kg); 480.000 đồng (loại 1 con/kg). Không chỉ vậy, hàng khô Tư Xê còn nổi tiếng với món bún Num Bo Chóc trứ danh, chỉ bán từ 7 đến 10 giờ mỗi buổi sáng. Bún được nấu từ cá lóc nhập từ Campuchia về, cộng với mắm bồ hóc, ngải bún… tạo nên một mùi vị rất đặc trưng, không thể trộn lẫn với món nào khác. Tô bún bình thường giá 45.000 đồng, còn loại đặc biệt là 55.000 đồng. Giá cao như vậy, nhưng khách đến ăn nườm nượp, thậm chí nhiều khi buồn lòng trở về vì đến trễ. “Tên gọi này xuất phát từ Campuchia. Món này cũng giống như bún cá ở miền Tây, nhưng cách chế biến nguyên liệu khắp TP. Hồ Chí Minh chỉ mình ên tôi có. Sau nhiều năm, hương vị của món ăn vẫn được giữ y như cũ, không hề thay đổi, gia giảm gì cả. Nếu mua về, không biết cách chế biến, món ăn không ngon như ăn tại quán” - chị Xinh chia sẻ.

Sau mấy hàng khô, dời bước đến quán chè “Cô Có” (một trong hai quán chè nổi tiếng nhất ở chợ), chúng tôi gần như hoa mắt với đủ loại chè. Món nào cũng thơm lừng, màu sắc hấp dẫn đến mức… mọi người không biết nên ăn món gì trước. Nào là xôi xiêm thơm lừng mùi sầu riêng, bánh gan và chuối chưng rưới nước cốt dừa, sâm bổ lượng, cùng nhiều món chè truyền thống khác của người Việt. Tất cả món ăn đều được để trong tô, chứ không phải trong ly, chén như thường thấy. Đặc biệt nhất là món chè Campuchia, với gam màu vàng chủ đạo của trứng, đậu xanh, bánh bí đỏ, màu xanh ngọc của thạch rau câu, màu trắng sữa của nước cốt dừa… và đá lạnh đập nhuyễn. Các món chè tuy khác nhau về nguyên liệu, nhưng đều có điểm chung ở vị béo ngậy của nước cốt dừa và cái dừa già, vị ngọt thơm của bánh, vị mịn của đậu xanh quện nơi đầu lưỡi, cái mát lạnh của nước đá. Cùng một chút cảm giác thú vị giữa không gian hàng quán lề đường, trong một khu chợ nổi tiếng của “Sài thành”, món chè trở nên khó quên hơn hẳn. Khách cứ thủng thỉnh múc từng muỗng chè nhỏ xíu, nhâm nhi trò chuyện, còn chủ quán phải luôn tay làm hết món này đến món khác cho khách ngồi quanh sạp. Cái quán nhỏ xíu nhưng chẳng còn dư ghế nào, trong khi khách ngồi trên xe phía ngoài gọi món í ới…

Nếu cứ nghĩ rằng, nơi đây chỉ toàn là món ăn của người Campuchia thì bạn đã lầm. Để hợp xu thế, rất nhiều món ẩm thực khắp mọi vùng, miền đều được bày bán trong chợ. Nào là bánh Huế (bánh bèo, bột lọc, bánh nậm, bánh ít ram); đậu hũ Singapore, bún chả cá Nha Trang; bún cá Châu Đốc, bún chả Hà Nội, cà na ngào đường… Chưa kể đến các món ăn uống thời thượng mà giới trẻ ưa thích, như: trà sữa, trà tắc siêu to, chè dưỡng nhan... chỉ cần chịu khó đi tìm là sẽ thấy rất nhiều quán phù hợp để sà vào ngồi. Lê la cả khu chợ suốt chiều tối, có khi chỉ tốn vài chục ngàn đồng mỗi người, là đủ no căng bụng. Rồi xen kẽ các sạp bán thức ăn, là quần áo các loại, đồ chơi, đồ trang sức, trái cây, thứ gì cũng có, thượng vàng hạ cám, đúng nghĩa của từ “chợ”!

Những điều “quen mà lạ”, hòa trộn mỗi thứ một ít khiến “chợ Campuchia” Lê Hồng Phong đủ trở thành một điểm đến rất nổi tiếng và độc đáo ở TP. Hồ Chí Minh, hầu như chẳng bao giờ vắng khách. Báo chí, người làm truyền thông đến quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn suốt, đến nỗi người bán hàng trả lời gần như chuyên nghiệp, nhưng vẫn giữ được nét hồn hậu, ngọt ngào qua từng câu trò chuyện. Họ vẫn trân trọng, nâng niu và gìn giữ giá trị truyền thống trong sạp hàng mình bán, dù trải qua nhiều năm vật đổi sao dời. Đó chính là điều tôi thích nhất ở khu chợ trong chuyến đi hôm ấy…

Bài, ảnh: GIA LẠC

 

Liên kết hữu ích