Đi chợ, mua sắm ngày giáp Tết

08/02/2021 - 03:56

 - Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, đây thời điểm các chợ, siêu thị tấp nập cảnh người mua, người bán.

Chợ Tết truyền thống chỉ thật sự tấp nập từ ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp). Từ tờ mờ sáng, từng đoàn xe chở hàng từ các tỉnh nối đuôi nhau đổ về chợ Mỹ Long (TP. Long Xuyên, An Giang). Những nhân công bốc vác chờ sẵn, thoăn thoắt bốc hàng chuyển xuống. Hàng hóa được nhập về nhiều nhất là trái cây, rau, củ, hoa, kiểng… Khi mặt trời ló dạng, không khí mua bán ở chợ bắt đầu nhộn nhịp. Từng dòng người chen chúc vào chợ mua thịt, cá, trái cây và các loại rau, củ.

Người bán thì tranh thủ rao để chào hàng: “Mua bông đi cô, một bó thọ tươi xanh chỉ 20.000 đồng”, “dưa hấu đây, dưa hấu không hạt Long An ngon miễn bàn đây”, “Bán xả giàn, nhanh hết hàng về nhà ăn Tết”… Người mua thì chọn lựa những món hàng thật tươi, thật ngon cho gia đình, mong để đón một năm mới sung túc, an lành. Chợ ngày cuối năm chẳng những đầy ắp đồ tiêu dùng, mà còn có rất nhiều hàng hóa từ khắp nơi đổ về mà chỉ trong ngày Tết mới có, như: dưa hấu không hạt Long An, dừa sáp Trà Vinh, bánh tét Trà Cuôn, bánh tét Cần Thơ, khóm son, trái phật thủ Hà Nội…

Không chỉ ở chợ truyền thống, tại siêu thị cũng tấp nập khách hàng mua sắm

Đối với mọi người, dù bận rộn bao việc nhưng đi chợ ngày giáp Tết như một thói quen, nét văn hóa không thể thiếu của người Việt. Chị Trần Thị Thúy Hằng (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Đối với tôi, đi chợ ngày cuối năm, không chỉ để mua sắm đồ đạc trong nhà, mà còn để tận hưởng không khí Tết. Nhà tôi gần chợ nên có ngày tôi đi chợ sáng, trưa, chiều. Đi để xem có món gì lạ, mới, đi để ngắm cảnh người người đi chợ, cảm nhận không khí đông vui, náo nhiệt của những ngày cận Tết”

Bạn Nguyễn Thiên Nhi (32 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho rằng: “Ngày nay, trong thời đại bùng nổ công nghệ số, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 thì phụ nữ chỉ cần nhấc điện thoại lên là có người giao hàng tận nơi, vừa không mất nhiều thời gian, vừa đỡ vất vả trong việc chọn lựa và có thể mua hàng bất cứ lúc nào, giờ nào. Mua sắm trên chợ online cũng đủ loại mặt hàng, từ thực phẩm, may mặc, đặc sản vùng, miền... Thế nhưng, tôi vẫn thích đi chợ Tết truyền thống. Bởi, việc đi chợ Tết qua siêu thị, đặt hàng online không thể tạo cảm xúc bằng trực tiếp đi chợ Tết để nghe tiếng hỏi han, mặc cả rôm rả của người mua, người bán...”.

Không chỉ ở chợ truyền thống, những ngày này, đến với các trung tâm mua sắm, siêu thị cũng tấp nập khách hàng mua sắm. Hàng hóa được chất đầy các kệ, xe đẩy hàng của khách thì đủ các mặt hàng, từ đồ gia dụng, bánh kẹo, gia vị, gạo, trái cây chưng mâm ngũ quả… Chị Trương Thị Ngọc (ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Ngoài đi chợ, tôi còn đi mua sắm ở siêu thị vì giá cả niêm yết, nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, đảm bảo”.

Cô Phạm Thị Mỹ Duyên (62 tuổi, ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Năm nay là năm đầu tiên đón Tết cổ truyền của dân tộc mà tôi lại thấp thỏm “lo” tình hình dịch bệnh COVID-19. Dù An Giang chưa có ca bệnh nhưng tôi cảm nhận người dân đi chợ hoa, mua sắm Tết giảm hơn so những năm trước. Chắc người ta mua sắm online hoặc mua ở những nơi bán có giao hàng tận nhà. Tôi thì thích đi chợ hơn vì đã quen với không khí nhộn nhịp của chợ ngày cận Tết. Năm nay, hàng hóa phục vụ Tết phong phú, giá nhiều mặt hàng thực phẩm, như: rau, củ, quả không tăng nhiều so ngày thường. Tôi thấy đa số người dân ý thức việc đeo khẩu trang”.

Chợ Tết là không gian văn hóa, sinh hoạt sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, cộng đồng dân cư và người dân. Vào những ngày cuối năm, đi chợ quê mới cảm nhận được không khí Tết đang về. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm để chuẩn bị đón chào năm mới, cầu mong những điều tốt đẹp và bình an... Chợ Tết cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đời sống người Việt.

Dạo qua vài chợ trên địa bàn TP. Long Xuyên, hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng chủng loại, các loại thực phẩm chế biến được các tiểu thương chuẩn bị với số lượng khá nhiều, nhất là các loại: bánh, mứt, khô, lạp xưởng, chả lụa, rượu, bia, bánh kẹo mang thương hiệu Việt Nam… và giá cả không tăng nhiều so Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong việc mua sắm các loại sản phẩm, hàng hóa UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra việc bình ổn giá cả thị trường, nhất là kiểm tra niêm yết giá bán, chất lượng, xuất xứ, hạn sử dụng… của sản phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

THU THẢO