Đi tìm giá trị Hán Nôm qua những hoành phi, liễn đối

15/02/2021 - 00:00

 - Di sản Hán Nôm mang trong mình tâm hồn dân tộc, là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của cha ông. Các giá trị về lịch sử, văn hóa, hay giáo dục, thẩm mỹ của di sản Hán Nôm đều được thể hiện rõ trong nội dung ca ngợi và tri ân của hoành phi, liễn đối ở các cơ sở thờ tự như: đình, chùa, miếu, đền.

Đình thần Thoại Ngọc Hầu nổi bật, uy nghiêm với nét đẹp của câu đối, liễn Hán Nôm

Trước tiên, phải kể đến giá trị về tư liệu lịch sử mà di sản Hán Nôm thể hiện nhiều nhất qua thể loại văn bia và thần tích, đặc biệt là văn bia. Nội dung các văn bia ghi lại việc đào kênh, làm đường xây cầu, dựng chùa lập miếu; ghi lại tiểu sử của nhân vật hoặc lịch sử của thôn làng... Như ở Thoại Sơn, thuở xưa, vùng đất này là nơi hoang địa, rừng thiêng, nước độc, hang ổ của muôn thú. Sinh mệnh của con người luôn bị đe dọa bởi sự khắc nghiệt của môi trường sơn lâm chướng khí, hiểm họa đói nghèo, bệnh tật, thú dữ và sự cướp bóc của bọn thảo khấu. Và rồi, sự xuất hiện của vị danh tướng lẫy lừng Nguyễn Văn Thoại đã làm đổi thay tất cả, mở ra trang sử mới cho vùng đất nơi đây.

Mùa xuân năm Mậu Dần 1818, được sự chuẩn tấu của vua, Nguyễn Văn Thoại đã chiêu tập dân binh, phát lệnh đào kênh: “Hôm nay, tại chân núi Sập bên bờ kênh Lạc Dục, trong tiết trời đầu xuân, lão thần vâng chỉ triều đình tuyên cáo, khởi đào nối kênh Đông Xuyên ra bờ biển phía Tây, tạo đường giao thông thuận tiện, hầu trị yên biên cương giữ vững bờ cõi...”. Vậy là, hơn 1.500 nhân binh luân phiên đào kênh dưới sự chỉ huy của danh tướng lẫy lừng Thoại Ngọc Hầu. Lược dịch bia đá Di tích cụ Thoại Ngọc Hầu có đoạn chép: “Từ nay về sau, theo dòng sông mà ngang qua núi nầy ai chẳng trầm trồ bảo nhau rằng nhớ ơn cửu trùng có lòng mở mang bờ cõi và nhắc lại duyên cớ núi nầy có được tên ấy, vinh lắm thay tên ấy, vinh lắm thay núi ấy, không những vinh cho núi ấy mà càng vinh cho lão thần có tri ngộ ít đời gặp được. Nay xin cung cẩn ở dưới chân núi, dựng xưởng Sơn Thần, chạm đá làm bia, ghi lớn hai chữ “THOẠI – SƠN” và kể lại lai lịch tên núi, hầu vĩnh truyền bất hủ”.

Một giá trị giáo dục nổi bật của di sản Hán Nôm trong các di tích là giáo dục lòng biết ơn và tình yêu quê hương làng xóm; giáo dục con người sống có đạo đức, có lòng từ bi, khoan dung độ lượng; giáo dục con cái lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Các hoành phi, câu đối trong đình, chùa, lăng, miếu chủ yếu nói về công lao, đức độ của các bậc tiền nhân - những người đi mở cõi, những bậc “khai quốc công thần”, những anh hùng chống giặc giữ nước. Họ là những người luôn phù hộ, che chở, bảo vệ và giúp đỡ cho dân làng để người dân có cuộc sống yên bình no ấm. Vì vậy, các hoành phi ở đình làng nói về vai trò của các vị thần thường thấy, như:  “Hộ quốc tý dân” (giúp nước che dân), “Thần ân tý hữu” (ơn thần che chở giúp đỡ)... Các nội dung ca ngợi, nhớ ơn thể hiện trong hoành phi, câu đối là những bài học sâu sắc về tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, nhắc nhở con người về truyền thống dân tộc, về lòng biết ơn, về nguồn cội, giáo dục con người về đạo lý làm người. Đồng thời cũng để ghi nhớ công lao của người đi trước, từ đó nỗ lực giữ gìn di tích, giữ gìn thành quả của tiền nhân; cố gắng học tập, làm việc cho xứng đáng với những gì được thừa hưởng.

Tính thẩm mỹ là điểm nổi bật qua các chữ Hán Nôm ở các cơ sở thờ tự. Phần trang trí nổi bật và độc đáo mang nét riêng biệt của các di sản Hán Nôm thể hiện qua hệ thống bao lam, liễn đối, hoành phi được sơn son thếp vàng rực rỡ với các đề tài, như: tứ linh, tứ hữu, hoa sen/ búp sen, đám mây, con hổ, chim hạc… Có thể nói, sự hài hòa các yếu tố mỹ thuật của các di sản Hán Nôm góp phần thể hiện tài năng lẫn ước muốn của cha ông. Nó chứa đựng niềm thành kính đối với các vị thần, Phật, các bậc tiền bối, cầu mong thần, Phật phù hộ cho cuộc sống yên vui sung túc. Các hoành phi, liễn đối có thể do người dân trong làng hoặc du khách thập phương phụng cúng, cũng có thể do ban quản lý các đình, chùa, miếu tạo tác.

Thế nhưng, thực tế hiện nay có rất ít người dân Việt Nam biết đọc và hiểu được chữ Hán - Nôm. Điều đó đồng nghĩa với việc khi đến các đình, chùa, miếu, họ không thể đọc và hiểu nội dung các hoành phi, liễn đối và do đó không thể hiểu được nét đặc trưng văn hóa truyền thống thể hiện qua các hoành phi, liễn đối. Vậy nên, sẽ thật giá trị và ý nghĩa nếu những hoành phi, liễn đối ấy được dịch nghĩa tại nơi chúng hiện hữu để ai ai cũng hiểu được giá trị, ý nghĩa cao quý mà nó mang lại để kế thừa, giữ gìn và phát huy.

PHƯƠNG LAN