Diễn biến COVID-19 tới 6h ngày 27-11: Thế giới vượt 61 triệu ca bệnh; Nga lại lập kỷ lục về ca mắc và tử vong

27/11/2020 - 08:15

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 519.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 61 triệu ca, trong đó trên 1,43 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mexico City, Mexico, ngày 14-11. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 96.000 ca), Ấn Độ (42.054 ca) và Brazil (37.322 ca). 

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.183 ca), Mexico (858 ca) và Italy (822 ca). 

Châu Âu

Nga lại trải qua ngày có số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 19-11. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 26-11, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày ở mức cao kỷ lục với 25.487 ca, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 2.187.990 ca.

Số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua cũng tăng ở mức cao nhất từ trước đến nay với 524 ca, theo đó tổng số người không qua khỏi do COVID-19 tại Nga tăng lên 38.062 ca. 

Số ca tử vong tại Anh vào Pháp vẫn cao 

Dù đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch COVID-19, trong đó có việc phong tỏa một phần, số ca nhiễm mới và tử vong tại châu Âu vẫn tiếp tục tăng trong những ngày qua, thậm chí lập kỷ lục mới.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại London, Anh ngày 20-5. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Anh, số ca tử vong trong ngày 26-11 được ghi nhận ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 5 vừa qua. Theo số liệu thống kê, với 696 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại "xứ sở sương mù" đã lên tới 56.533 ca. Số ca nhiễm mới cũng tăng rất cao, với 18.213 ca trong ngày 26-11, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.557.007 ca, nhiều thứ bảy thế giới. 

Một số nhà khoa học cảnh báo rằng việc Anh có kế hoạch nới lỏng các biện pháp chống dịch vào dịp nghỉ lễ Noel sắp tới có nguy cơ "đổ thêm dầu vào lửa". Tiến sĩ David Spiegelhalter thuộc trường Đại học Cambridge cho rằng nếu điều chỉnh các hạn chế chống dịch để người dân thoải mái hơn trong các dịp lễ, số ca nhiễm mới khi đó có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove dự báo số ca nhiễm mới thậm chí có thể tăng gấp ba trong 5 ngày nghỉ lễ.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Toulouse, Pháp ngày 16-11. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Pháp, trong ngày 26-11, nước này ghi nhận 381 ca tử vong và 16.282 ca nhiễm mới. Với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là 2.170.097 và 50.618 ca tử vong, Pháp hiện là nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ năm thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Nga  và Brazil. 

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết đỉnh của làn sóng dịch lần thứ hai đã đi qua, cho phép dần nới lỏng các biện pháp chống dịch và quay về trạng thái bình thường bắt đầu từ ngày 28-11. Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu sẽ được phép mở trở lại, người dân cũng được phép ở bên ngoài lâu hơn... Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn được duy trì, trừ 5 ngày nghỉ lễ kéo dài từ 24-31/12. Riêng các nhà hàng, quán bar, quán cà phê và phòng tập gym vẫn phải đóng cửa đến ngày 20-1-2010.

Đức có thể bị áp đặt hạn chế phòng dịch tới đầu năm 2021

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 25-10. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 26-11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng nhiều khả năng nước này phải sống chung với các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan đến tháng 1/2021, trong khi Chánh Văn phòng Thủ tướng lại đề xuất rằng thời hạn áp đặt các biện pháp phòng ngừa đại dịch này cần kéo dài đến tháng 3 năm sau. 

Phát biểu trước Quốc hội, bà Merkel nhấn mạnh do số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao nên các biện pháp hạn chế được áp đặt trước Giáng sinh có thể sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến đầu tháng 1 năm tới đối với hầu hết các khu vực ở Đức. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức lại cho rằng các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội cần phải được kéo dài hơn nữa, có thể đến tháng 3-2021 vì nước này sắp phải trải qua một mùa Đông đầy khó khăn. 

Ngày 25-11, Thủ tướng Merkel đã nhất trí với lãnh đạo 16 bang của nước này về việc gia hạn và thắt chặt lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh cho đến ngày 20-12 tới, nhưng sẽ nới lỏng các quy định này vào dịp Giáng sinh để các gia đình và bạn bè có thể cùng nhau đón mừng ngày lễ. 

Tính tới 6h sáng 27-11 (giờ Việt Nam), Đức có thêm 21.576 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên trên 1 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 386 ca, nâng tổng số người không qua khỏi lên 15.767 người. 

Thủ tướng Phần Lan thừa nhận dịch bệnh trở nên tồi tệ

Ảnh: EPA-EFE

Thủ tướng Sanna Marin ngày 26-11 cho biết tình hình dịch bệnh ở nước này đã nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, bà cho rằng chính phủ đã quyết định rằng chưa có cơ sở để áp đặt các biện pháp khẩn cấp như đã làm vào tháng 3. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu cho biết tỷ lệ mắc bệnh tại Phần Lan trong vòng 14 ngày qua là 75,8 trên 100.000 người, mức thấp thứ 2 ở châu Âu sau Iceland. Mặc dù vậy, Chính phủ Phần Lan vẫn cảnh báo số ca nhiễm mới đang gia tăng với tốc độ đáng lo ngại. Tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh ở xung quanh thủ đô Helsinki, số ca nhiễm mới trong tuần trước đã tăng gần 70% so với tuần trước nữa. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Marin cho rằng số ca nhiễm mới tiếp tục tăng và số người phải nhập viện cũng gia tăng, do đó không nên bỏ qua bất kỳ biện pháp nào khi bà đề cập đến khả năng phải tái áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia. 

Cùng ngày, Chính phủ Phần Lan cũng khuyến nghị giới chức các địa phương tạm thời đóng cửa tất cả các không gian công cộng ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Khu vực xung quanh thủ đô Helsinki sẽ ban hành lệnh cấm tổ chức tất cả các sự kiện tập trung đông người ở cả trong không gian kín và ngoài trời, yêu cầu học sinh từ 15 tuổi trở lên phải học trực tuyến, và các biện pháp hạn chế khác. 

Hoàng tử và Công chúa Thụy Điển mắc COVID-19 

Hoàng tử Carl Philip và vợ là Công chúa Sofia. Ảnh: Guardian

Tại Thụy Điển, Hoàng tử Carl Philip, 41 tuổi, và vợ là Công chúa Sofia, 35 tuổi, đang phải tự cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. 

Dự kiến, Vua Carl XVI Gustaf và Hoàng hậu Silvia, cũng như Công chúa Victoria và chồng là Hoàng thân Daniel, cũng sẽ thực hiện xét nghiệm.

Châu Á

Trung Quốc: Chợ Tân Phát Địa ngừng bán thực phẩm đông lạnh để phòng dịch 

Lối vào chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19-6. Ảnh: AFP/TTXVN

Chợ Tân Phát Địa tại thủ đô Bắc Kinh - khu chợ bán buôn thực phẩm Trung Quốc đã phải ngừng bán và bảo quản thịt và hải sản đông lạnh trong bối cảnh chính quyền nước này đang tăng cường kiểm tra thực phẩm đông lạnh sau khi ghi nhận một số ca mắc mới COVID-19. 

Tân Phát Địa - vốn là tâm dịch ở thủ đô Bắc Kinh tháng 6 vừa qua, đã xử lý các mặt hàng, khử trùng và ngừng cấp điện đối với hàng trăm thiết bị bảo quản lạnh. Giới chức khu chợ cho biết sẽ tiến hành kiểm tra virus SARS-CoV-2 mỗi ngày tại các nhà kho và các thiết bị bảo quản lạnh dành cho hoa quả và rau củ. 

Mặc dù gần đây Bắc Kinh chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến chợ và các sản phẩm đông lạnh, song một số người xử lý thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại thành phố Thanh Đảo và Thiên Tân đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trung Quốc tăng cường kiểm tra thực phẩm đông lạnh sau khi thông báo nhiều lần phát hiện virus SARS-CoV-2 trên các sản phẩm nhập khẩu và bao bì của chúng, kéo theo việc kiểm tra và xét nghiệm trên quy mô lớn đối với thực phẩm và người dân. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã ngừng nhập khẩu trong một số giai đoạn nhất định, khiến giao thương bị gián đoạn.

Hàn Quốc yêu cầu giãn cách xã hội trước kỳ thi đại học

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seongnam, phía nam thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 25-11. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã kêu gọi người dân nước này tạm thời ngừng tham gia các hoạt động tập trung đông người trước thềm kỳ thi đại học trên toàn quốc vào tuần tới để sự kiện quan trọng này không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng đột biến số ca mắc mới trong thời gian gần đây. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Giáo dục Yoo Eun-hae đặc biệt yêu cầu giới trẻ Hàn Quốc tuân thủ nghiêm túc quy định giãn cách xã hội khi cho biết khoảng 19% số ca mắc COVID-19 tại nước này là những người ở độ tuổi 20 và nhiều người trong số đó không có triệu chứng. Bà cũng khuyến cáo tất cả thành viên gia đình có con em tham gia kỳ thi đại học nói trên phải thực hiện quy định giãn cách xã hội trong vòng 1 tuần tới, bắt đầu từ ngày 26-11, đồng thời yêu cầu các "sĩ tử" không đến những nơi đông người. Theo Bộ giáo dục Hàn Quốc, khoảng 70% học sinh mắc COVID-19 trong tháng 11 này là lây nhiễm từ những thành viên khác trong gia đình. 

Kỳ thi đại học năm nay tại Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 3-12 tới. Đây là sự kiện giáo dục thường niên quan trọng nhất tại Hàn Quốc và cả nước gần như ngừng hoạt động để kỳ thi diễn ra suôn sẻ. Bộ Giáo dục Hàn Quốc đưa ra lời kêu gọi trên sau khi số ca nhiễm mới tại nước này đã tăng vọt lên hơn 500 ca/ngày lần đầu tiên trong vòng 8 tháng qua. Ngày 26/11, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo thêm 583 ca mắc COVID-19, trong đó chủ yếu là ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc ở Hàn Quốc lên 32.318 ca. 

WHO cảnh báo tin giả sẽ tác động tiêu cực đến chương trình tiêm vaccine COVID-19

Hình ảnh minh họa vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh trên khắp thế giới hồi tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo về một làn sóng "bệnh dịch thông tin" gồm tin tức giả và thông tin sai lệch về căn bệnh mới nguy hiểm này trên các mạng truyền thông xã hội. Đến nay, khi triển vọng sớm có được vaccine ngừa COVID-19 đang ngày càng rõ ràng, tổ chức này một lần nữa cảnh báo thông tin giả và sai lệch có thể gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng vốn được xây dựng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng dịch bệnh này đang gây ra.     

WHO khẳng định COVID-19 là đại dịch đầu tiên trong lịch sử mà trong đó công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng trên quy mô lớn để bảo vệ mọi người an toàn, giúp người dân có được thông tin và được kết nối. Tuy nhiên, WHO nêu rõ mặt trái của việc con người phụ thuộc vào công nghệ để duy trì kết nối và được cung cấp thông tin, chính là sự khuếch đại "bệnh dịch thông tin" và điều này sẽ tiếp tục làm suy yếu nỗ lực ứng phó với COVID-19 trên toàn cầu và gây tổn hại cho các biện pháp khống chế dịch bệnh. 

Trên thực tế, dịch bệnh COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,43 triệu người trên toàn cầu kể từ khi dịch bệnh được phát hiện vào tháng 12-2019 tại Trung Quốc và đến nay mới chỉ có 3 loại vaccine ngừa COVID-19 do các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford bào chế, được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xem xét cho phép lưu hành vào tháng 12 tới.     

Hình ảnh minh họa vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

WHO định nghĩa "bệnh dịch thông tin" là một lượng thông tin dư thừa, cả trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm cả những âm mưu có suy tính nhằm gieo rắc thông tin sai lệch. Ngoài các vấn đề về hậu cận, chính phủ các nước cũng phải đối mặt với sự hoài nghi về vaccine được phát triển với tốc độ kỷ lục vào thời điểm mà phương tiện truyền thông vừa là công cụ để cung cấp thông tin, vừa thông tin sai lệch về virus. 

Thực tế, từ tháng 1/2020 đến nay, hãng tin AFP của Pháp đã phát hơn 2.000 bài viết kiểm chứng sự thật để loại bỏ những thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. WHO nhấn mạnh rằng nếu không có những thông tin chính xác và đáng tin cậy, nhiều phương pháp chẩn đoán sẽ không được sử dụng, các chiến dịch tiêm chủng (hay các chiến dịch quảng bá vaccine hiệu quả) sẽ không đạt được mục tiêu và virus sẽ tiếp tục lây lan. 

Châu Phi chưa sẵn sàng tiêm chủng đại trà

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cảnh báo của WHO ngày 26/11 cho biết châu lục này chưa sẵn sàng cho việc tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19  và cần phải nhanh chóng cải thiện khả năng này trong bối cảnh triển vọng sớm có vaccine ngày càng hiện hữu sau những thông báo đầy hứa hẹn gần đây từ một số nhà sản xuất.

Theo đánh giá của WHO, mức độ sẵn sàng của châu Phi hiện chỉ vào khoảng 33%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 80%. Tỷ lệ này được đưa ra dựa trên việc đánh giá cơ sở dữ liệu do 40 quốc gia châu Phi cung cấp. Trước thực tế này, Giám đốc khu vực của WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, nêu rõ việc lập kế hoạch và chuẩn bị sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Trước mắt, mục tiêu đặt ra là phải phải tiêm phòng cho 3% dân số châu Phi từ nay đến tháng 3/2021 và nâng lên thành 20% đến cuối năm sau.

Cũng theo nữ Tiến sĩ Moeti, thiếu kinh phí, công cụ và phương tiện liên lạc với người dân là nguyên nhân chính gây khó khăn cho công tác tiêm phòng ở châu Phi, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Ước tính chi phí tiêm chủng cho các nhóm dân số ưu tiên ở châu lục này sẽ vào khoảng 4,8 tỷ euro và châu Phi có thể hưởng lợi phần nào từ Cơ chế mua và phân phối vaccine (COVAX), cũng như từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo thống kê, mặc dù châu Phi ít chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hơn nhiều châu lục khác với khoảng 2,1 triệu ca mắc và 50.000 ca tử vong, song tại đây đang trải qua các đợt bùng phát dịch cục bộ, đặc biệt ở khu vực phía Nam và khối Maghreb.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)