Giờ học của thầy trò lớp mầm non tại điểm bản Huổi Đá, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, Nguyễn Văn Đoạt cho biết: Tính trong khoảng 5 năm trở lại đây thì năm nào cũng thiếu giáo viên so với nhu cầu thực tế và định biên theo quy định ngành. Gần nhất là năm học 2022-2023, toàn ngành thiếu gần 1.800 giáo viên, trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều giáo viên nhất, sau đến các môn chuyên biệt (Tiếng Anh, Tin học).
Co kéo từng tiết dạy
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm thời lượng dạy và học cho học sinh, căn cứ nhân lực thực tế tại địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện đã chỉ đạo các trường trong cùng xã chủ động sắp xếp buổi học, tiết học không trùng nhau để một giáo viên có thể dạy liên trường, liên cấp; nhất là giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thầy giáo Mai Xuân Hà, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) cho biết: Vì không có giáo viên Tiếng Anh nên trường đã báo cáo và được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đồng ý phân công thầy Lò Văn Pọm thuộc biên chế Trường tiểu học-THCS Tỏa Tình đảm nhiệm dạy cả hai trường.
Để thầy Pọm đảm đương việc giảng dạy ở hai trường thuộc địa bàn hai xã cách nhau gần 40km, thì ban giám hiệu hai trường phải thường xuyên trao đổi, thống nhất sắp xếp lịch hợp lý giảng dạy cho thầy Pọm. “Cách mà hai trường đã sắp xếp trong năm học qua là, học sinh Trường Tênh Phông học Tiếng Anh nửa đầu tuần, còn học sinh Trường Tỏa Tỉnh học Tiếng Anh những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch cứng, còn thực tế cũng thường xuyên thay đổi. Và mỗi lần thay đổi lịch học môn Tiếng Anh thì các môn học khác cũng phải thay đổi theo khiến nhiều giáo viên bị động” - thầy Hà cho biết thêm.
Ngoài thiếu giáo viên Tiếng Anh, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Tênh Phông còn thiếu giáo viên dạy các môn Tin học, Mỹ thuật. Do vậy Trường đã “co” từ 11 lớp cấp tiểu học xuống 10 lớp; giáo viên dạy môn Tin học, Mỹ thuật dạy song song hai cấp trong khi biên chế ban đầu là dạy 1 cấp. Để bảo đảm quyền lợi, chất lượng giảng dạy cho giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã phải họp bàn, tính toán cẩn thận việc quy đổi tiết học giữa cấp tiểu học với trung học cơ sở.
Cùng tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh như Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học-THCS Tênh Phông, song không có giáo viên tăng cường nên Ban Giám hiệu Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) phải chủ động bố trí lịch dạy cho giáo viên theo cách riêng của trường. Thầy Trần Đăng Vượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học vừa qua trường có 40 lớp với hơn 1.000 học sinh; trong đó, 21 lớp khối 3, 4, 5 học môn Tiếng Anh, số lượng 4 tiết/tuần/lớp (tổng 84 tiết/tuần). Nếu chiểu theo đúng định mức thì trường cần bốn giáo viên Tiếng Anh, thế nhưng chỉ có hai giáo viên bộ môn này. Để khắc phục, nhà trường phải linh hoạt sắp xếp lịch giảng dạy và ghép lớp học tiết Tiếng Anh theo khối lớp. Dù làm như vậy nhưng giáo viên Tiếng Anh vẫn phải tăng giờ, nhiều khi dạy cả hai buổi mới bảo đảm thời lượng học cho học sinh. Đánh giá cuối năm, cả hai giáo viên đều hoàn thành chương trình và nhiệm vụ, song họ đã phải cố gắng rất nhiều.
Tính toán các giải pháp lâu dài
Chung quanh tình trạng thiếu giáo viên nói chung và giáo viên các bộ môn chuyên biệt nói riêng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo Đỗ Văn Sơn, cho biết thêm thông tin tại huyện này: Không chỉ có thầy Lò Văn Pọm mà trong năm học 2022-2023 toàn huyện có 24 giáo viên phải giảng dạy tại hai cơ sở giáo dục; trong đó, hai giáo viên Âm nhạc, năm giáo viên Mỹ thuật, chín giáo viên Tiếng Anh, tám giáo viên Tin học.
Tại huyện biên giới Mường Nhé, tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn Tiếng Anh, Tin học cũng lên tới gần 40 chỉ tiêu. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé Phạm Thiết Chùy cho biết: Năm nào cũng thông báo chỉ tiêu, mời gọi thiết tha song không có nguồn để tuyển; đặc biệt là giáo viên các môn chuyên biệt theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại thời điểm này, Mường Nhé đang thiếu 18 giáo viên Tiếng Anh, trong đó gồm năm giáo viên bậc tiểu học và 13 giáo viên trung học cơ sở. Ở môn Tin học, Mường Nhé thiếu 19 chỉ tiêu. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn nêu trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé cũng chỉ biết xoay xở bằng giải pháp tăng cường, biệt phái, động viên giáo viên khắc phục khó khăn và chia sẻ với tình hình chung.
Ngoài các biện pháp thực tiễn mà các phòng, các trường thực hiện, thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng đã chủ động khắc phục bằng việc ưu tiên bố trí giáo viên thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, huy động trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp, rồi mới đến trẻ nhà trẻ. Định kỳ hằng năm ngành chỉ đạo rà soát tổng thể để có cơ sở xây dựng phương án tuyển mới; điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi đủ, nơi thiếu ít hỗ trợ nơi thiếu nhiều; bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp các môn đặc thù. Cùng với đó, ngành coi trọng thực hiện các giải pháp về rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp nhằm tiết kiệm biên chế, như: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện bố trí, sắp xếp tăng số học sinh/lớp, giảm số lớp ở cấp học phổ thông; sắp xếp số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên khoa học, hợp lý bảo đảm sử dụng hiệu quả biên chế được giao...
Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên do thiếu nguồn tuyển, tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có công văn gửi các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc đề nghị báo cáo chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên, dự kiến nguồn và giải pháp ưu tiên tuyển giáo viên các môn chuyên biệt. Căn cứ kết quả rà soát, dự kiến nhu cầu từ cấp huyện, Sở đã tổng hợp và có văn bản gửi các trường đại học có đào tạo chuyên ngành sư phạm các môn nêu trên và đề nghị các trường thông tin đến sinh viên đã tốt nghiệp, chuẩn bị tốt nghiệp để các em nghiên cứu, dự tuyển dụng. Cùng với đó, ngành khảo sát số lượng sinh viên là con em các dân tộc trên địa bàn đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm để trao đổi thông tin hai chiều về nhu cầu tuyển dụng với mong muốn tư vấn đến các em định hướng đào tạo nâng cao, liên thông, văn bằng khi các em có dự định chuyển đổi ngành học để dự tuyển giáo viên tại địa bàn.
“Qua rà soát, ngành dự kiến năm học 2023-2024 thiếu 2.206 viên chức; năm học 2024-2025 thiếu 2.555 người và năm học 2025-2026 con số thiếu viên chức toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên sẽ lên tới 3.133 người” - NGUYỄN VĂN ĐOẠT, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên
Theo LÊ LAN (Báo Nhân Dân)