Điện Kremlin: Dự thảo thỏa thuận năm 2022 có thể là nền tảng đàm phán với Ukraine

13/04/2024 - 16:22

Trong tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai giữa Nga và Ukraine có thể cần phải tính đến tình hình thực tế mới.

Cuộc đàm phán giữa đại diện Nga và Ukraine tại Istanbul vào tháng 4/2022. Ảnh: Sputnik

Theo trang tin The Hindu, phát biểu trước các phóng viên tại cuộc họp báo ngày 12/4, người phát ngôn Peskov cho biết dự thảo thỏa thuận Nga-Ukraine được đàm phán vào năm 2022 có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán trong tương lai nhằm chấm dứt cuộc giao tranh đã kéo dài sang năm thứ ba.

Ông Peskov nhấn mạnh dự thảo thỏa thuận được thảo luận ở Istanbul vào tháng 3/2022 có thể là cơ sở để bắt đầu đàm phán. Đồng thời, ông lưu ý các cuộc đàm phán trong tương lai có thể cần phải tính đến tình hình thực tế mới.

“Đã có nhiều thay đổi kể từ đó. Các khu vực mới đã được sáp nhập”, ông Peskov nói. Tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người đứng đầu các vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye đã ký thỏa thuận về việc các khu vực này sáp nhập Liên bang Nga. Trước đó, các khu vực này đã tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập Liên bang Nga. Kết quả trưng cầu được chính quyền các khu vực này công bố, theo đó đa số cử tri đồng ý sáp nhập.

Tuyên bố của người phát ngôn Peskov được đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Putin lên tiếng hoài nghi về các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Ukraine mà Thụy Sĩ đăng cai vào tháng 6. Người đứng đầu Điện Kremlin cảnh báo Moskva sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa bình nào được đưa ra.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp mang tính xây dựng, nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực thi quan điểm không dựa trên thực tế”, Tổng thống Putin nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko ở Moskva, đồng thời cho biết thêm dự thảo tài liệu về Istanbul có thể làm cơ sở cho việc đàm phán.

Tài liệu được thảo luận ở Istanbul vài tuần sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và bao gồm các điều khoản về tình trạng trung lập của Ukraine, đặt ra các giới hạn đối với các lực lượng vũ trang của nước này. Tuy nhiên, kết thúc vòng đàm phán, hai bên không đạt được thỏa thuận nào và các cuộc đàm phán tiếp theo cũng đã sụp đổ.

Về phần mình, Nga luôn phản đối công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó yêu cầu Moskva rút quân, bồi thường cho Ukraine và đối mặt với tòa án quốc tế về hành động của mình.

Tổng thống Putin nhiều lần nói rằng nước Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine để bảo vệ lợi ích của Nga và ngăn chặn Ukraine gây ra mối đe dọa an ninh lớn cho Nga bằng việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo BẢO HÀ (Báo Tin Tức)