Điều khiển xe gây tai nạn phải bị xử lý

28/08/2023 - 05:24

 - Điều khiển xe sai làn đường, không làm chủ bản thân, làm chủ tốc độ, dẫn đến va chạm vào người, phương tiện của người khác rồi bỏ chạy là hành vi không thể chấp nhận và vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Phản ánh sự việc đến Báo An Giang, chị Lê Thị Huỳnh Như (sinh năm 1989, ngụ ấp Hưng Lợi, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú) cho biết, khoảng 17 giờ, ngày 7/7/2023, cha mẹ chị (ông Lê Ngọc Dũng, bà Phạm Thị Muôn) điều khiển xe gắn máy về nhà. Đến Đường tỉnh 945 (đoạn thuộc xã Thạnh Mỹ Tây), họ bị xe ôtô 4 chỗ màu trắng, hiệu Vios lấn làn đường, va chạm làm ngã xuống đường. Lái xe bỏ chạy, dù nạn nhân và nhiều người dân tri hô.

“Cha mẹ tôi được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Châu Phú điều trị, cả tuần sau mới xuất viện, bị đa chấn thương. Các vết thương dù không quá nặng, nhưng người lái xe ôtô đụng người té xuống đường mà không dừng xe lại là hành động vô nhân đạo. Sau đó, gia đình tôi biết xe ôtô vi phạm mang biển số 67A-124.74, người điều khiển xe tên Đan, ngụ xã Đào Hữu Cảnh.

Trước lúc xảy ra sự cố, người này có uống rượu bia. Cha mẹ tôi vô cớ bị thương tật, mất việc làm, đã khiếu nại lâu nhưng chưa được giải quyết. Còn người điều khiển xe khai báo lòng vòng, sau đó không nghe điện thoại, không đến thăm cha mẹ tôi. Gia đình tôi yêu cầu xem xét giải quyết sự việc theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho cha mẹ tôi” - chị Huỳnh Như đề nghị. 

Bà Phạm Thị Muôn đang điều trị

Chúng tôi liên lạc nhưng không gặp được ông Đan. Tiếp cận người chứng kiến sự việc và báo tin - ông Nguyễn Văn Tường (ngụ ấp Hưng Lợi) cùng 1 nhân chứng (xin giấu tên) cho biết, thường mỗi buổi chiều, họ chạy xe đạp tập thể dục. Thấy xe ông Dũng, bà Muôn ngã xuống đường, họ lớn tiếng kêu xe gây tai nạn dừng lại, nhưng tài xế vẫn chạy đi, không nhớ rõ biển số. Biết người bị nạn cùng xóm, ông điện báo cho gia đình họ, rồi cùng nhiều người sơ cứu vết thương. 

ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển phương tiện giao thông và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Người trong cuộc có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn trách nhiệm bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông không dừng xe lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn, không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (đối với người điều khiển xe ôtô) từ 6 - 8 triệu đồng (đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy). Việc bỏ chạy sau khi gây tai nạn được xem là tình tiết tăng nặng, khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Về bồi thường khi gây thiệt hại, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Việc bồi thường bao gồm toàn bộ chi phí và thực hiện kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật... Nếu thỏa thuận của hai bên không đạt, một trong hai bên có thể khởi kiện vụ việc đến tòa án xem xét giải quyết.

N.R