Kiến trúc nội thất ngôi đình chính, bên trong có treo bảng sắc phong thần trên cao giữa chánh điện
Quá trình hình thành
Quá trình xây dựng đình Bình Thủy gắn liền với tên tuổi của vị tiền hiền Dương Văn Hóa - người có công khai phá và quy tụ dân cư trên vùng đất Bình Lâm ngày xưa (tên gọi xưa của Bình Thủy). Ngày trước, đình Bình Thủy được xây dựng bằng lá đơn sơ trên một khu đất rộng, cách vị trí ngôi đình hiện tại khoảng 200m, nhưng sau đó bị hỏa họan.
Năm 1850, hương chức làng đã đứng ra vận động người dân đóng góp tiền, công sức, cùng nhau xây dựng lại ngôi đình trên phần đất của ông Dương Văn Thụ (cháu cố của cụ Dương Văn Hóa). Đình Bình Thủy ngày nay là nơi người dân địa phương đến lễ bái linh thần, cầu mong cuộc sống ấm no, bình an và là nơi để người dân xa quê hoài niệm về xóm làng, bến nước, sân đình.
Qua hơn 170 năm xây dựng và trùng tu, tôn tạo, ngôi đình vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, trang nghiêm. Đình Bình Thủy có kiến trúc kiểu chữ “Tam”, tam cấp mái, nóc cổ lầu và mái hạ được lợp bằng ngói Phú Hữu, mái trung và mái thượng lợp ngói âm dương. Trên nóc đình có gắn tượng “lưỡng long tranh châu” hàm ý mọi việc đều hanh thông, thuận lợi. Cấu trúc mặt tiền của đình có sự kết hợp hài hòa giữa gạch đá và gỗ trong cùng một tổng thể.
Còn nét trang trí mỹ thuật tại chính diện ngôi đình kết hợp yếu tố văn hóa Đông - Tây càng tôn thêm nét kiến trúc, làm cho ngôi đình nổi bật giữa vùng cù lao sông nước. Với giá trị kiến trúc tiêu biểu, nổi bật, đình Bình thủy đã được UBND tỉnh An Giang xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định 286/QĐ-UB, ngày 18/02/2000.
Nét văn hóa lễ hội đình Bình Thủy
Trưởng ban Quý tế đình Bình Thủy Trần Văn Trừ cho biết: “Đình Bình Thủy thờ chính là thần Thành hoảng bổn cảnh và thờ vọng tiền hiền Dương Văn Hóa. Hiện, đình Bình Thủy vẫn giữ gìn và đều đặn thực hiện các lễ cúng trong năm, như: Lễ Kỵ thần, lễ hội Kỳ yên và lễ Lạp miếu”. Lễ Kỵ thần của đình Bình Thủy (diễn ra vào ngày 21 và 22 tháng Giêng) hàng năm, với các nghi thức như lễ Kỵ thần của những đình khác trong toàn tỉnh, nhưng có điểm đặc biệt hơn là ngày lễ Kỵ thần của đình Bình Thủy cũng là lễ giỗ của vị tiền hiền Dương Văn Hóa.
Lễ hội Kỳ yên (diễn ra từ ngày mùng 9 đến 11 tháng 5 âm lịch) là dịp để dân làng chiêm bái thần Thành hoàng bổn cảnh, thần nông, thần xã tắc để cầu mưa thuận gió hòa, dân giàu, nước mạnh. Ngày lễ Kỳ yên còn có lễ tế tiền hiền, hậu hiền và các bậc tiền bối trong làng xã để giáo dục thế hệ sau về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Lễ Kỳ yên đình Bình Thủy mang tính chất của một lễ phi nông nghiệp, các hoạt động lễ và hội đều gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cư dân vùng sông nước. Mỗi kỳ lễ Kỳ yên diễn ra giúp người dân vùng đất cù lao Bình Thủy được thấy lại những nghi lễ truyền thống từ các thế hệ cha ông. Đối với lễ Lạp miếu (diễn ra vào ngày 19 và 20 tháng 12 âm lịch) được tổ chức để đáp tạ thần ân sau một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ thành công, với các nghi thức, như: Lễ cúng thần nông, thỉnh sanh, túc yết, chánh tế và lễ tất an thần.
Trong ba lễ cúng lớn của đình Bình Thủy, lễ Kỳ yên và lễ Lạp miếu thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, nhiều năm qua, lễ Kỳ yên đã tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Bình Thủy. Cùng với phần lễ trang nghiêm, thành kính, lễ Kỳ yên đình Bình Thủy còn có phần hội sôi nổi, trong đó có giải đua thuyền truyền thống, đây là hoạt động thu hút hàng ngàn người dân địa phương và khách tham quan đến với vùng đất cù lao này.
Lễ hội đình làng là thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Do đó, các hoạt động lễ hội đình Bình Thủy luôn tề tựu đông đảo người dân Bình Thủy tham dự. Qua đó, đã gắn kết tình làng nghĩa xóm, cùng nhau tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công khai hoang, lập làng Bình Thủy, cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Không khí nhộn nhịp của hội đình Bình Thủy mang đến cho khách tham quan sự trải nghiệm về lễ hội đình của vùng quê, mang đậm nét đặc trưng miền Tây sông nước.
MỸ LINH