“Tôi dùng hai số điện thoại, một cho gia đình và một cho công việc, mặc dù số cho gia đình tôi gần như không chia sẻ ra ngoài, thế nhưng không hiểu sao vẫn nhận được các cuộc gọi chào mời mua bất động sản, bảo hiểm, kêu gọi đầu tư, thậm chí còn doạ thuê bao bị khoá sau 2 giờ đồng hồ nữa… mình cứ nghĩ là người quen nên nghe máy. Kết quả là mang bực dọc và phiền hà vào người”, anh Nguyễn Danh Thái, một nhân viên văn phòng tại TP.HCM chia sẻ.
Số điện thoại doanh nghiệp đã được định danh. Ảnh: Lê Mỹ
Theo anh Thái, để tránh sự phiền hà này, hiện cả hai số anh đều đang dùng một phần mềm quốc tế, khi cuộc gọi tới có định danh tên người gọi để khỏi phải nghe các cuộc gọi rác. Anh cho rằng, việc Bộ TT&TT và các nhà mạng ngày 27/10 vừa qua công bố, tất cả số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT gọi đến người dân đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”, tương tự, cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng, là điều nên thực hiện từ lâu.
Việc này cần mở ra đối với các cơ quan, ban, ngành hay các doanh nghiệp khác, để người dân có thể biết ai gọi đến, quyết định nghe hay không, chứ không phải cài một phần mềm quốc tế và luôn lo về bảo mật như anh đang làm.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hà, đang làm tại một công ty công nghệ ở TP.HCM cũng cho rằng, việc Bộ TT&TT và nhà mạng công bố việc định danh số điện thoại để chống lại cuộc gọi mạo danh là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ số ít các đơn vị thực hiện thì vẫn chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề, do hiện nay các cuộc gọi lừa đảo mạo danh rất nhiều, từ mạo danh cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng, đến các doanh nghiệp thương mại điện tử mời “việc nhẹ lương cao”, hay mời chào bất động sản, kêu gọi đầu tư...
“Tôi nghĩ rằng, việc định danh số điện thoại cần được nhân rộng ra tất cả các cơ quan, ban, ngành và các doanh nghiệp trên cả nước, lúc đó người dân sẽ tránh được các cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác vẫn diễn ra thường xuyên hiện nay”, chị Hà chia sẻ.
Đứng ở góc độ chuyên gia, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS cho biết, việc định danh số điện thoại các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hay doanh nghiệp là một việc cần được ủng hộ.
Tuy nhiên, cần làm một cách tổng thể, đã tiến hành định danh thì tất cả phải cùng làm, chứ không phải chỉ một số cơ quan thực hiện, bởi như thế hiệu quả sẽ không cao. Ngoài ra, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng, sau khi định danh, những biện pháp khác cũng phải được thực hiện đồng bộ theo, như quản lý tài khoản “rác” (SIM, tài khoản ngân hàng), tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm…thì mới có thể hạn chế các cuộc gọi mạo danh, hay lừa đảo diễn ra trong thời gian qua.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Viết Quân, Giám đốc điều hành Tanca cũng chia sẻ, hiện nay, công ty ông cũng đã thực hiện việc định danh khi đăng ký hotline với các nhà mạng, mặc dù phải đóng thêm chi phí, nhưng không đáng kể. Theo ông Trần Viết Quân, việc định danh cũng có nhiều ưu điểm như người nghe sẽ nhấc máy cao hơn khi doanh nghiệp thực hiện cuộc gọi đến, so với thực hiện các cuộc gọi thông qua tổng đài hiện số 1900… Bởi lúc đó, người dùng họ không biết ai đang gọi, tiến hành báo cáo với nhà mạng đây là cuộc gọi rác, cũng khiến doanh nghiệp sẽ bị chặn số, lúc ấy sẽ gây thiệt hại rất nhiều.
Đại đa số người dân, chuyên gia hay doanh nghiệp đều cho rằng, việc định danh số điện thoại là một việc làm cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, để nó trở nên phổ cập, Bộ TT&TT cần có các chính sách để xem như đây là một dịch vụ miễn phí, chứ không phải các nhà mạng đang tiến hành thu phí như hiện nay. Vì thực tế nhà mạng cũng đã thu được phí từ cước cuộc gọi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp cùng nhau thực hiện, bởi vẫn còn các doanh nghiệp sử dụng số hotline vẫn dùng số di động cá nhân để cho tiện lợi, mà chưa quan tâm đến việc định danh cho doanh nghiệp mình trên môi trường mạng.
Theo Vietnamnet